Tỉnh Quảng Ninh nói gì về dự án thi công có nguy cơ ảnh hưởng môi trường vịnh Hạ Long?
Tỉnh Quảng Ninh khẳng định, do Dự án khu đô thị 10B (Cẩm Phả) có hơn 10% diện tích nằm trong vùng đệm vịnh Hạ Long nên trước đó đã có văn bản xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phần dự án nằm trong vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) có diện tích khoảng 3,88ha (chiếm 12,19% tổng diện tích). Trong đó, khoảng 0,91ha thuộc lô đất nhà ở xã hội NOXH1 (có công trình nhà ở dạng chung cư 6 tầng); khoảng 0,75ha đất xây dựng công trình nhà ở liền kề 5 tầng; khoảng 2,22ha là vườn hoa cây xanh, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
Dự án phía Đông giáp với biển; phía Tây giáp với núi đá vôi, đầm Cây Giang; phía Nam giáp suối Lộ Phong và vịnh Bái Tử Long; phía Bắc giáp núi đá vôi.
Phần lớn đất của dự án là bờ triều ngập mặn, không có công trình kiến trúc quốc gia và công trình di tích lịch sử, an ninh quốc phòng. Tổng diện tích đất, mặt nước thực hiện dự án là hơn 318.210 m2.
Đối chiếu với ảnh vệ tinh năm 2010, khu vực này trước đây là bãi triều ngập mặn, không có công trình nhà ở.
Tỉnh Quảng Ninh lên tiếng về hiện trạng thực hiện dự án
Theo tỉnh Quảng Ninh, Luật Di sản văn hóa qui định, việc xây dựng công trình trong khu vực II của di tích quốc gia phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên tỉnh đã có văn bản đề nghị gửi Bộ.
Cụ thể, quá trình đề xuất dự án đầu tư đã nhận diện, dự báo các tác động môi trường chính của dự án trong quá trình thi công, gồm: Các hoạt động thay đổi sử dụng đất, san nền, vận chuyển nguyên, vật liệu, xây dựng các hạng mục công trình dự án,... đều có tác động đến môi trường.
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường như: Áp dụng biện pháp thi công tiên tiến, cơ giới hóa cả quá trình để đảm bảo an toàn lao động, hạn chế tối đa gây ô nhiễm môi trường; che chắn các khu vực phát sinh bụi, dùng xe tưới rửa đường.
Cũng theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, trong bước triển khai tiếp theo, dự án sẽ phải thực hiện lập, trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường. Từ đó làm cơ sở để quản lý, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công và đưa vào khai thác vận hành dự án.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ chỉ đạo các ngành, chức năng giám sát, đôn đốc nhà đầu tư tuân thủ Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới; các quy định về bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt của pháp luật về di sản và Công ước quốc tế 1972.
Chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tiếp nhận đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tháng 2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản phúc đáp khi triển khai dự án.
Cụ thể, đề nghị tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư thực hiện các giải pháp thi công phù hợp để giảm thiểu tác động tới cảnh quan vịnh Hạ Long, không hạn chế tầm nhìn ra biển cũng như khả năng tiếp cận biển của khách du lịch, người dân.
Cho ý kiến đối với phần diện tích 3,88ha nằm trong vùng đệm, khu vực II di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị có liên quan cần có giải pháp thiết kế, thi công phù hợp mới giảm thiểu tác động tới tổng thể cảnh quan của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về mật độ xây dựng cũng như tầng cao xây dựng tại khu vực này nhằm đảm bảo không gây hạn chế tầm nhìn ra biển, cũng như khả năng tiếp cận biển của khách du lịch và cộng đồng dân cư địa phương.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục, tháng 8/2023, dự án đô thị lấn biển này được triển khai xây dựng. Sau 3 tháng thi công, dự án cơ bản hoàn thành đường công vụ rộng 7 m để tổ chức đưa vật liệu ra xây bờ kè.
Tháng 9/2023, Ban quản lý vịnh Hạ Long tiến hành kiểm tra, giám sát và nhận thấy đơn vị thi công đang đổ đất trực tiếp xuống bãi lầy và không có kè vây.
Ban quản lý vịnh Hạ Long cho rằng điều này ảnh hưởng đến môi trường vịnh nên có văn bản đề nghị các sở ban ngành kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công tuân thủ quy định bảo vệ môi trường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hoài Thanh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đỗ Gia Capital cho biết, sau khi nhận được văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp khắc phục.
Cụ thể, gia cố lớp đá xô bồ ta luy đường phía sau biển (khu vực ngoài ranh giới dự án) theo độ cao của đường nhằm hạn chế rửa trôi đất cát xuống biển.Trên mặt đường phía biển, đơn vị làm các gờ chắn đất rộng 30-50cm nhằm hạn chế nước mặt đường chảy trực tiếp xuống khu vực ngoài ranh giới dự án.
Đối với vấn đề bùn trồi ngoài ranh giới quy hoạch, trên thực tế, hiện tại dọc vị trí đắp đường công vụ chưa có hiện tượng trồi bùn. Tuy nhiên trong quá trình thi công, nếu có hiện tượng trên, đơn vị sẽ thu gom, đổ vào phía trong dự án như đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đối với công tác tổ chức thi công tuyến kè chắn bao quanh dự án trước khi san nền theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, ông Thanh cho hay, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với nhà thầu Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng công trình thủy để thiết kế - cung cấp thi công hạng mục ống địa kỹ thuật hệ thống đê bao.
Đối với công tác tổ chức quan trắc, giám sát chất lượng môi trường khu vực thi công dự án theo nội dung báo cáo đánh giá đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt, theo ông Thanh, công ty đã ký hợp đồng với nhà thầu Trung tâm phân tích FPD. Đơn vị cũng lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ 3 tháng/đợt tại dự án cho đến khi hoàn thành dự án đầu tư.
"Chúng tôi tiếp tục thực hiện đúng các nội dung tại mục 3 công văn số 5372 của sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh xuyên suốt quá trình triển khai dự án", ông Thanh nói.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tinh-quang-ninh-noi-gi-ve-du-an-thi-cong-co-nguy-co-anh-huong-moi-truong-vinh-ha-long-17923110616324807.htm