Tinh gọn bộ máy: Sớm ban hành chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

PV
18:29 - 29/12/2024

Thủ tướng yêu cầu quá trình tinh gọn bộ máy cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến Bộ Chính trị để sớm ban hành chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Ngày 29/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo.
Tinh gọn bộ máy: - Ảnh 1.

Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Ảnh: VGP

Tinh gọn bộ máy: Bảo đảm không bỏ sót, không trùng chéo, giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính

Tại Phiên họp thứ sáu, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó tập trung vào một số nội dung: Về kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; về chỉ tiêu sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; về thời gian trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ không thực hiện hợp nhất, sáp nhập.

Phát biểu kết luận phiên họp thứ 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với dự thảo Báo cáo, giao Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện một bước dự thảo và tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến xác đáng của các cơ quan, cá nhân có liên quan.

Bám sát mục tiêu tổ chức bộ máy "Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả" gắn với tinh giản, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ lưỡng trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, bảo đảm không bỏ sót, không trùng chéo và hoàn thiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, tăng cường cho cơ sở, ai làm tốt nhất thì giao, lựa chọn phương án thấu đáo, phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu quán triệt tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vừa chạy vừa xếp hàng"; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì hoàn thiện phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có chính sách chung, chính sách đặc thù bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; bố trí nhân sự phù hợp trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Tinh gọn bộ máy: - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến Bộ Chính trị để sớm ban hành chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy. Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì các nhiệm vụ vẫn phải thúc đẩy, triển khai và hoàn thành và sau khi hoàn thành thì phải bắt tay ngay vào công việc. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình sắp xếp, tinh gọn; bảo đảm phân công rõ công việc trong thời gian quá độ.

Theo thông tin mới nhất từ phiên họp, sau sáp nhập, Bộ hợp nhất hai Bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải sẽ có tên mới là Bộ Xây dựng và Giao thông, số đơn vị trực thuộc bộ hợp nhất còn 24 - 27 đơn vị, giảm 35 - 41% số đầu mối so với trước khi sáp nhập.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường sau hợp nhất mang tên Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Về cơ cấu tổ chức của Bộ mới sau khi hợp nhất có 30 đầu mối, giảm 25 đầu mối so với 55 đầu mối hiện có trong cơ cấu tổ chức của hai Bộ (tương ứng với tỉ lệ giảm trên 45%)”.

Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hợp nhất trở thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Về bộ máy, Bộ Thông tin và Truyền thông có 26 đơn vị, Bộ Khoa học và Công nghệ có 22 đơn vị, tổng số là 48 đơn vị. Hiện, hai bộ thống nhất sau khi sắp xếp giảm xuống 34 đơn vị. Thống nhất có lộ trình sắp xếp 1 cơ quan báo chí của bộ (hiện có 2 báo là Vietnamnet và VnExpress). Công tác cán bộ được hai bộ thống nhất nguyên tắc sắp xếp phù hợp, đảm bảo cân đối hai bên.

Việc sáp nhập các bộ sẽ được đưa vào cuộc họp Trung ương trong tháng 1.2025, Quốc hội thông qua vào tháng 2/2025, sau đó sẽ chính thức sáp nhập. Thời gian từ nay đến trước ngày 15/1, các bộ sẽ phải hoàn thành các mục tiêu sáp nhập mà Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra.

Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ hoàn thành, gửi Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 31/12/2024.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tinh-gon-bo-may-som-ban-hanh-chinh-sach-cho-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-nguoi-lao-dong-179241229182948277.htm