Tìm kiếm giải pháp giúp cơ quan báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số

TTH
11:09 - 17/11/2023

Ngày 17/11, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số. Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí và các nhà báo đã cùng đưa ra các giải pháp triển khai hiệu quả công tác này thích ứng với thời kỳ mới.

Tìm kiếm giải pháp giúp cơ quan báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số- Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khai mạc Hội nghị Báo chí với công tác Bảo vệ nền tảng tư tưởng cảu Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số.

Hội nghị "Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số" khu vực phía Bắc đã được nghe nhiều tham luận có chất lượng cao, ý kiến trao đổi trách nhiệm, sâu sắc của Hội Nhà báo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, 20 Liên chi hội, hàng chục Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương cùng nhiều cơ quan báo chí địa phương tham dự. 

Các tham luận tập trung vào những kinh nghiệm thực tế của báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những khó khăn, thách thức đối với đội ngũ nhà báo trong phản bác quan điểm sai trái, đấu tranh chống các thế lực thù địch; nhiều bài học kinh nghiệm quý báu được chia sẻ, nhiều giải pháp thiết thực được rút ra từ thực tiễn dấn thân của nhà báo, hội viên, từ cách làm sáng tạo của các cấp Hội trong việc áp dụng những thành tựu của công nghệ số trong việc tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các tham luận cho thấy cơ quan báo chí đã chủ động vào cuộc, tích cực tham gia quảng bá các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật tiến bộ của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống"; kiên cường đấu tranh với các nội dung xấu độc, các quan điểm sai trái trên mạng xã hội; nhận diện, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "tôn giáo", "dân tộc", "xã hội dân sự", "tự do ngôn luận", "tự do báo chí"... để chống Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Một số cơ quan báo chí đã thành lập các nhóm phóng viên chính luận, nhóm phóng viên cơ động... trực tiếp tác nghiệp tại những "điểm nóng", nhằm kịp thời đấu tranh, phản bác trực diện luồng tin xấu độc, bóp méo sự thật của các phần tử phản động. Nhiều cơ quan báo chí địa phương tích cực đăng tải thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, phản ánh trung thực, khách quan, đúng bản chất vấn đề, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với những chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Các sản phẩm truyền thông được tổ chức sản xuất, xuất bản đa dạng, chuyên nghiệp hơn, không chỉ đơn thuần là các bài viết, bài nói, mà còn là những clip, video đa phương tiện tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước một cách sinh động, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Đồng thời, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa nội dung tuyên truyền, góp phần định hướng dư luận xã hội, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động.

Tìm kiếm giải pháp giúp cơ quan báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số- Ảnh 4.

Hội nghị lắng nghe nhiều mô hình, phương pháp triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ các cơ quan báo chí.

Các giải pháp triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của các cơ quan báo chí

Các cơ quan báo chí đã nghiêm túc thảo luận, phân tích các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh, nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót, đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực như: Đề nghị Ban Chỉ đạo 35 các cấp tăng cường cung cấp các bài viết chuyên đề của đội ngũ chuyên gia để tạo thêm nguồn nội dung thông tin chuyên sâu phục vụ công tác tuyên truyền; Đề nghị Ban chỉ đạo 35 cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc cung cấp thông tin định kỳ; cung cấp thông tin đột xuất khi xảy ra vụ việc phức tạp, nhạy cảm để báo chí kịp thời có tin bài, làm chủ trận địa thông tin; 

Đề nghị chú trọng các chương trình, tác phẩm có tính luận chiến, phê phán, bác bỏ từng luận điểm sai trái, thù địch, cung cấp nhiều chương trình thể hiện tính khách quan, tính phản biện, không né tránh những mặt trái, mặt tiêu cực; 

Đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm hướng dẫn và định hướng nội dung thông tin tuyên truyền, đồng thời gửi kèm theo tài liệu, nhất là đối với các vụ việc quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nước và quốc tế được dư luận xã hội quan tâm, định kỳ hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhất là về chuyển đổi số báo chí và tổ chức tập huấn cho các cơ quan báo chí về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới;

Đề xuất Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng kho dữ liệu dùng chung để các báo khi cần có thể vào khai thác tuyên truyền, phản bác về âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch.

Bài học từ nhiều mô hình các cơ quan báo chí đã triển khai có hiệu quả

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một đề tài khó. Nhà báo viết về đề tài này cần có trình độ nghiệp vụ chắc chắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng trung thành với Đảng, trách nhiệm với Tổ quốc.

Công tác đấu tranh của các cơ quan báo chí cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa các cơ quan báo chí với nhau và với các cơ quan quản lý, có định hướng xuyên suốt của cơ quan chỉ đạo.

Vì vậy, Hội nghị của Hội Nhà báo Việt Nam là cơ hội để các cơ quan báo chí trao đổi kinh nghiệm, cách làm, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thảo luận những giải pháp cụ thể, khả thi, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị này.

Hội nghị đã làm rõ một số vấn đề: xác định rõ vai trò xung kích của báo chí, truyền thông trong việc nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt trong trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong các phương thức làm báo hiện đại.

Về hoạt động thực tế, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với các cơ quan báo chí hiện nay; những đặc thù trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của từng đơn vị, địa phương với các yếu tố địa - chính trị khác nhau, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, văn hóa vùng miền riêng biệt.

Phải làm rõ các kết quả đạt được, nhận diện những khó khăn, thách thức nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh. Từ đó phân tích, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, giải pháp thiết thực trong việc áp dụng những thành tựu của công nghệ số nhằm xây dựng chuyên mục và tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền.

Nâng cao phẩm chất chính trị, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đào tạo, rèn luyện lực lượng tham gia đấu tranh phản bác trong tình hình mới. Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách thỏa đáng để động viên, khuyến khích đội ngũ nhà báo chuyên tâm với nghề, luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức của người làm báo cách mạng.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tim-kiem-giai-phap-giup-co-quan-bao-chi-dau-tranh-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-trong-thoi-ky-chuyen-doi-so-179231117103152945.htm