Tìm cách tháo gỡ "điểm nghẽn" cho dòng tiền

PV
10:56 - 22/11/2022

Việc lãi suất và tỷ giá đều biến động mạnh, cùng với việc nhà đầu tư trái phiếu sốt sắng tất toán trước hạn… khiến doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực loay hoay tìm dòng tiền. Có nhiều kiến nghị đã được gửi đến Chính phủ và với Ngân hàng Nhà nước để tìm giải pháp tháo gỡ.

Thực trạng và cách tháo gỡ "điểm nghẽn" dòng tiền - Ảnh 1.

Không chỉ lãi suất tăng, các doanh nghiệp cũng chia sẻ rất khó tiếp cận vốn do thanh khoản thị trường cạn kiệt. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Hiện tại dòng vốn đang ở đâu?

Hết quý 1/2022 bài toán về room tín dụng và tiếp cận vốn trên thị trường đầy thách thức. Kể từ giữa tháng Mười, vấn đề về thị trường trái phiếu xảy ra, thì việc khan hiếm vốn với các doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Niềm tin vào thị trường trái phiếu của nhà đầu tư mất đi, dẫn đến sự kiện rút tiền đồng loạt làm thị trường trái phiếu trở tay không kịp trong ngắn hạn. Một số nhà đầu tư cá nhân chọn cách phản ứng tiêu cực, tập trung đông người tại trụ sở một số công ty chứng khoán, ngân hàng, tạo nên hiệu ứng lan rộng.

Cũng bị ảnh hưởng nặng nề là thị trường cổ phiếu, dẫn đến việc doanh nghiệp không phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu được.

Lãi suất và tỷ giá đều trở thành nặng trên vai các doanh nghiệp, tại thời điểm này.

Không chỉ lãi suất tăng, một thách thức nữa với các doanh nghiệp là "đói vốn" do thanh khoản thị trường cạn kiệt. Theo các chuyên gia, tính cả lượng tiền mà Ngân hàng Nhà nước hút về bằng cách bán ngoại tệ và lượng vốn đầu tư công khoảng 900.000 tỷ đồng Bộ Tài chính hút về đang nằm im trong các ngân hàng thì nền kinh tế đã bị rút về 1,5 triệu tỷ đồng.

Những phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp cho thấy nhiều hậu quả khi nghẽn thanh khoản kéo dài như, hoạt động sản xuất sẽ triệt tiêu, tác động đến kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ dòng tiền thu về trong tương lai.

Thực trạng và cách tháo gỡ "điểm nghẽn" dòng tiền - Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 10 năm 2022. Ảnh: Vietnam+

Thông thường, ngân hàng là kênh chính cung cấp vốn lưu động, chủ yếu là vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp muốn huy động vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn. Thực tế hiện nay thị trường vốn và thị trường tiền tệ đang mất cân đối nghiêm trọng khi xảy ra tình trạng trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả trước hạn. Việc phải trả cả trái phiếu chưa đến hạn, buộc doanh nghiệp phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vốn vay ngân hàng để trả nợ.

Ý kiến của các chuyên gia

Trước những khó khăn về dòng tiền, theo các chuyên gia việc tháo gỡ điểm nghẽn cho dòng vốn là việc rất quan trọng. Một số chuyên gia nhận xét "tử huyệt" của thị trường vốn hiện nay chính là trái phiếu doanh nghiệp, do đó ưu tiên cần kíp nhất giai đoạn hiện nay là phải ổn định thị trường trái phiếu.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết nhiều ý kiến đề xuất nới trần tín dụng, song dù Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng thì các ngân hàng thương mại cũng không còn vốn để cho vay ra.

Theo ông Hùng, hiện nay các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn, tính chung cả ngành bởi dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau. Vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới, buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Điều này, có thể sẽ ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện còn khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công đang bị "nhốt" tại hệ thống ngân hàng thương mại. Nên trích một nửa trong số đó (khoảng 500.000 tỷ đồng) để lập quỹ bảo lãnh hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp như Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra ý kiến về lâu dài, hỗ trợ nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào chính sách tài khóa, các đề xuất giải pháp như thành lập quỹ trái phiếu doanh nghiệp là phù hợp.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng đây là kiến nghị đáng xem xét nhưng không dễ thực hiện.

"Cục tiền đầu tư công thuộc về tài khóa, dù chưa chi được, nhưng phải gắn với kế hoạch quyết liệt chi tiêu đầu tư công thời gian tới. Nếu chúng ta nhìn con số mấy trăm nghìn tỷ đồng thì có đóng góp rất tích cực, nhưng so với nhu cầu hiện nay thì không phải là quá lớn," ông Thành phân tích.

Theo ông, chúng ta phải giải quyết đồng thời 3 bài toán: Thứ nhất là ổn định vĩ mô. Thứ hai là tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam (dòng tiền ra, dòng tiền vào) tuy không quá khó khăn nhưng không còn thuận lợi như những năm trước đây. Thứ ba là câu chuyện an toàn của hệ thống ngân hàng.

"Vừa qua Trung Quốc đã có chương trình giải cứu bất động sản gồm 16 điều, tôi thấy tinh thần có 3 điểm cơ bản: Một là nới ít nhiều điều kiện cho vay đối với bất động sản; hai là nới ít nhiều tín dụng cấp cho người đi mua nhà ở; ba là tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành. Chương trình này khá cụ thể, tôi nghĩ là Việt Nam có thể tham khảo…" ông Thành chia sẻ.

Nguồn: Vietnamplus

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tim-cach-thao-go-diem-nghen-cho-dong-tien-17922112210503807.htm