Tiêu chí đánh giá năng lực ngoại ngữ trong các học viện, nhà trường quân đội
Là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi, tiếng Anh giúp gắn kết các cá nhân và tổ chức, lực lượng vũ trang trên toàn thế giới thông qua các hoạt động quân sự chung như diễn tập, tọa đàm, đối thoại, trao đổi công nghệ quân sự, thỏa hiệp chính sách...
Những năm gần đây, tại Việt Nam, học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh đặc biệt được quan tâm, khi đất nước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Nằm trong xu thế đó, cùng với yêu cầu từ thực tế, việc tăng cường các tiêu chí đánh giá nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ trong các học viện, nhà trường quân đội cũng cần được chú trọng hơn nữa.
Là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi, tiếng Anh giúp gắn kết các cá nhân và tổ chức, lực lượng vũ trang trên toàn thế giới thông qua các hoạt động quân sự chung như diễn tập, tọa đàm, đối thoại, trao đổi công nghệ quân sự, thỏa hiệp chính sách...
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc không thông thạo tiếng Anh có thể tạo nhiều rào cản cho các quốc gia trong tiến trình hội nhập quân sự của mình. Do đó, nâng cao trình độ giao tiếp tiếng Anh không chỉ là vấn đề cá nhân của bất cứ một học viên, sĩ quan quân đội nào mà còn là vấn đề hết sức cấp bách cho sự phát triển của một đất nước nói chung và tiềm lực quân sự quốc gia nói riêng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng một hệ thống đánh giá năng lực ngoại ngữ của học viên, sĩ quan quân đội trong bối cảnh có quá nhiều kỳ thi và tiêu chí được áp dụng tại Việt Nam? Vấn đề này đang ngày càng thu hút sự chú ý của giáo viên dạy ngoại ngữ, các nhà giáo dục, nghiên cứu và cao hơn nữa là các nhà hoạch định chính sách.
Từ những mục tiêu như trên, bài viết này sẽ đưa ra sơ lược về phương pháp đánh giá năng lực ngoại ngữ tiếng Anh đang được sử dụng tại Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp, tiêu chí nhằm hoàn thiện hệ thống đo lường trình độ ngoại ngữ trong môi trường quân sự một cách hiệu quả.
Cần có bộ tiêu chí đánh giá năng lực ngoại ngữ trong các nhà trường quân đội
Xét về mặt lý thuyết, việc đánh giá được nhìn rộng ra là "quá trình thu thập, tổng hợp và diễn giải thông tin để hỗ trợ việc ra quyết định". Do đó, việc đánh giá có thể mang tính hình thành (thúc đẩy học tập) hoặc tổng kết (ghi chép và báo cáo thành tích của học viên), chính thức (lập kế hoạch và giám sát quá trình học một cách cẩn thận) hoặc không chính thức (được tiến hành tự phát từ người dạy), có vai trò then chốt (lược dịch trong tiếng Anh là high-stakes, nghĩa là sử dụng kết quả đánh giá năng lực ngôn ngữ để đưa ra các quyết định quan trọng) hoặc rủi ro thấp (kết quả đánh giá trình độ ngôn ngữ không gây ảnh hưởng nhiều đến việc học và dạy của tập thể và cá nhân).
Về cơ bản, hiện nay tại Việt Nam, năng lực giao tiếp tiếng Anh của sinh viên đại học nói chung và học viên, sĩ quan quân đội nói riêng đều dựa trên kết quả đạt được trong các kỳ thi chứng chỉ quốc tế như IELTS hay TOEFL. Đồng thời, chứng chỉ TOEIC cũng dần trở nên phổ biến như một phương thức/tiêu chí để đáp ứng các yêu cầu về tiếng Anh khi tốt nghiệp đại học hay tham gia huấn luyện quân sự tại các quốc gia khác. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu kiểm tra và đánh giá trình độ ngoại ngữ ngày càng tăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ủy quyền cho Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng chuỗi bài thi chuẩn hóa tiếng Anh VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) ở các cấp độ khác nhau, từ VSTEP.3-5, cho đến VSTEP.2, VSTEP.3, và VSTEP.1.
Tuy nhiên, hầu hết các kỳ thi trong nước cũng như quốc tế nêu trên chỉ đánh giá năng lực giao tiếp tổng quát của người học mà không tập trung vào lĩnh vực quân sự. Do đó, kể cả khi học viên, sĩ quan quân đội đạt được thành tích cao trong những kỳ thi này cũng không chắc có thể đáp ứng được một cách hiệu quả và toàn diện trong các tình huống giao tiếp quân sự nói chung. Vì vậy, thiết nghĩ chúng ta cần xây dựng thêm một bộ tiêu chí đánh giá bổ sung dành cho đối tượng là người học trong môi trường và chuyên môn đặc thù này với 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết.
Đề xuất 4 tiêu chí đánh giá năng lực ngoại ngữ trong các học viện, nhà trường quân đội
Kỹ năng nghe
Kỹ năng này đòi hỏi học viên nghe hiểu được các thông báo, bản tin ngắn, chương trình truyền hình... bằng tiếng Anh, trong đó có sử dụng từ ngữ, thuật ngữ chuyên ngành quân sự.
Tóm tắt được nội dung thông tin chính theo ý hiểu của mình.
Nhận biết được chính xác các âm đơn lẻ (individual sounds), âm nối (linking sounds), âm cuối (ending sounds), ngữ điệu (intonation), đặc biệt khi nghe mệnh lệnh từ cấp trên bằng tiếng Anh.
Khi nghe có tiếng ồn xung quanh (background noise) xuất phát từ việc sử dụng các thiết bị quân sự, người học vẫn cần có khả năng phân tích các từ khóa (keyword) để hiểu được nội dung cơ bản.
Kỹ năng đọc
Ở kỹ năng đọc, người học cần hiểu được các loại hình báo chí, tạp chí, trích dẫn, hướng dẫn sử dụng, báo cáo, thư điện tử, tài liệu, thông báo quân sự... chuyên ngành bằng tiếng Anh;
Phân tích và tóm tắt được các nội dung chính và nhóm thông tin cụ thể có trong bài đọc;
Có khả năng dịch các cụm từ, thuật ngữ quân sự sang tiếng Việt một cách chính xác, dễ hiểu khi cần;
Nhận biết được sự khác nhau trong cách sử dụng từ vựng về cấp bậc, quân hàm, vũ khí của các nền quân sự tiên tiến trên thế giới như Úc, Mỹ, Anh...
Đồng thời, học viên, sĩ quan quân đội học tiếng Anh cũng nên được đánh giá ở khả năng nhóm thông tin và nắm bắt được luận điểm mà tác giả đề cập trong bài viết. Tập trung vào nội dung trọng tâm của bài đọc ở việc phân tích các khía cạnh quân sự khác nhau.
Kỹ năng nói
Kỹ năng nói cần người học có khả năng nói, giao tiếp lưu loát về các chủ đề quân sự khác nhau, hạn chế lặp lại ý hoặc có thể tự sửa lỗi. Nếu nói chưa lưu loát, trôi chảy, mạch lạc thường là nội dung chưa rõ ý hơn là nguyên nhân do hạn chế từ vựng hoặc ngữ pháp.
Học viên có thể nói mạch lạc và phát triển các chủ đề một cách đầy đủ và phù hợp nếu thường xuyên rèn luyện, trau dồi kỹ năng này;
Sử dụng từ, cụm từ, thuật ngữ chuyên môn quân sự một cách linh hoạt và chính xác trong tất cả các tình huống giao tiếp như báo cáo chỉ huy cấp trên, thông báo tình hình thực hiện nhiệm vụ, trao đổi thông tin qua bộ đàm, thuyết trình hội nghị, trình bày ý kiến trong các buổi giao ban đơn vị hàng tuần hay đưa đoàn quân sự nước ngoài đi tham quan cơ sở, trang thiết bị của đơn vị mình...;
Có khả năng sử dụng các cấu trúc ngữ pháp một cách chính xác, tự nhiên và đầy đủ. Đồng thời, phát âm chính xác các từ đơn lẻ, âm nối, âm cuối, trọng âm và ngữ điệu, trong đó không gây khó khăn cho đối tác quân sự ở nước bạn trong quá trình nghe, trao đổi và tiếp nhận thông tin.
Kỹ năng viết
Ở kỹ năng viết, các học viên, sĩ quan quân đội cần có khả năng viết thành thạo trong các tình huống như viết báo cáo cấp trên, viết kiểm điểm bản thân, viết thư (tay hoặc email) trình bày và trao đổi sự việc, viết thông báo, hướng dẫn, ghi chú, nhắc nhở, lịch làm việc, hoạt động của đơn vị…. trong đó có sử dụng từ, cụm từ, thuật ngữ chuyên môn quân sự bằng tiếng Anh;
Các ý/nội dung và câu trong bài viết cần có sự mạch lạc, logic và gắn kết với nhau, giúp chuyển tải được rõ ý cho người đọc;
Đặc biệt khi viết cần điều chỉnh văn phong (register), ngữ điệu (tone) sao cho phù hợp với cấp bậc, quân hàm, chức vụ của người nhận, tránh gây hiểu nhầm trong quá trình giao tiếp;
Có khả năng sử dụng các từ vựng chuyên môn quân sự, cấu trúc ngữ pháp một cách linh hoạt, đa dạng, tự nhiên và chính xác;
Ngoài ra, cũng cần chú ý đến dấu câu sao cho câu văn được ngắt quãng phù hợp, giúp người đọc nắm được bố cục của bài viết, từ đó hiểu rõ hơn về thông điệp mà người viết muốn chuyển tải.
Nhìn chung, việc xây dựng riêng một bộ tiêu chí đánh giá khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học viên, sĩ quan quân đội ở Việt Nam tách biệt ra khỏi các tiêu chí đánh giá tổng quan của các kỳ thi chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL là một việc làm không hề đơn giản do có nhiều sự tương đồng giữa các tiêu chí này.
Vì vậy, bài viết chỉ nhằm mục đích đề xuất thêm các phương pháp đánh giá có bổ sung yếu tố quân sự dựa trên các hoạt động đặc thù. Từ đó giúp các giảng viên dạy ngoại ngữ, cán bộ các cấp đưa ra quyết định phù hợp hơn, sát với yêu cầu thực tế hơn. Đồng thời, giúp học viên quân sự có cái nhìn cụ thể, sâu sắc hơn về trình độ giao tiếp tiếng Anh của mình trong bối cảnh hội nhập toàn cầu trong các lĩnh vực.
Hy vọng trong tương lai không xa, khi hệ thống đánh giá năng lực ngoại ngữ ở nước ta hoàn thiện hơn, các học viên, sĩ quan quân đội sẽ có thêm nhiều cơ hội được huấn luyện, giao lưu, học hỏi từ các nền quân sự tiên tiến trên thế giới. Trong đó khả năng sử dụng ngoại ngữ nói chung, năng lực tiếng Anh nói riêng được các học viên, sĩ quan quân đội phát huy hiệu quả, như một công cụ, phương tiện học tập, trau dồi kiến thức đầy tự tin và chuyên nghiệp hơn.
Thiếu tá, ThS. Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Ngoại Ngữ, Học viện Quân Y
Tài liệu tham khảo
1. Ngo, X. M. (2018). Sociopolitical contexts of EFL writing assessment in Vietnam: Impact of a national project. In T. Ruecker & D. Crusan (Eds.), The politics of English second language writing assessment in global contexts (pp. 47-59). New York, NY: Routledge.
2. Ngo, X. M. (2021). Vietnam's trillion-dong attempt to reform English education: A laudable reform or a costly failure? English Today, 37(2), 115–119.
3. Nguyen, T. N. Q. (2020). Vietnamese standardized test of English proficiency: A panorama. In L. I.-W. Su, C. J. Weir, & J. R. W. Wu (Eds.), English language proficiency testing in Asia: A new paradigm bridging global and local contexts (pp. 78–100). Routledge.
4. Nguyen, H., & Gu, Y. (2020). Impact of TOEIC listening and reading as a university exit test in Vietnam. Language Assessment Quarterly, 17(2), 147–167.
5. Tran, T. D. (2015). An exploratory study of current assessment practices for improving the learning of English as a foreign language (EFL) in two Vietnamese universities [Unpublished doctoral dissertation]. Queensland University of Technology.
6. Poteet, S, Xue, P., Patel, J., Kao, A., Giammanco, C. & Whiteley, I. (2008): Linguistic sources of coalition miscommunication. In Proceedings of the NATO RTO-MP-HFM-142 Adaptability in coalition teamwork. 21–23 April 2008. Copenhagen, Denmark.
7. Rasmussen, L. & Sieck, W. (2012): Strategies for developing and practicing cross-cultural expertise in the Military. Military Review, 92(2): 71–80.
8. Rasmussen, L., Sieck, W. & Smart, P. (2009): What is a good plan? Cultural variations in expert planners' concepts of plan quality. Journal of Cognitive Engineering & Decision Making, 3(3): 228–252.
9. Sieck, W., & Patel, J. (2007): Cultural issues in coalition planning. Proceedings of the 4th International conference on knowledge systems for coalition operations, IEEE Press, 88–92.
10. Russell, M. K., & Airasian, P. W. (2011). Classroom assessment: Concepts and applications (7th ed.). New York, NY: McGraw-Hill.
11. Brown, H. D., & Abeywickrama, P. (2019). Language assessment: Principles and classroom practices (3rd ed.). White Plains, NY: Pearson.
12. Nguyen, H. V., Nguyen, M. X. N. C., & Dao, P. (2020). The impact of IELTS on English language teachers in Central Vietnam. British Council, Cambridge Assessment English, & IDP: IELTS Australia. https://www.ielts.org/research/researchreports/online-series-2020-1.
13. Barnes, M. (2017). Washback: Exploring what constitutes "good" teaching practices. Journal of English for Academic Purposes, 30, 1–12.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tieu-chi-danh-gia-nang-luc-ngoai-ngu-trong-cac-hoc-vien-nha-truong-quan-doi-179230816114415404.htm