Tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng nhờ Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay đã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Việc các đơn vị chia sẻ dữ liệu qua nền tảng đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng.
Mỗi ngày có khoảng 1,9 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP
Thời gian qua, nền tảng NDXP đã từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2020, 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với nền tảng NDXP, đạt tỉ lệ 100%.
Hiện nền tảng này đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; trong đó có 85 LGSP của bộ, ngành, địa phương; 8 cơ sở dữ liệu và 12 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số giao dịch thông qua nền tảng NDXP từ đầu năm 2022 đến ngày 19/10/2022 đã đạt hơn 570 triệu, tăng gấp 3,1 lần so với cả năm 2021 (khoảng 180 triệu giao dịch), trung bình hàng ngày có khoảng 1,9 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.
Ước tính 1 giao dịch thành công qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) giúp tiết kiệm khoảng 1.000 đồng. Như vậy, trong năm 2022, việc các đơn vị chia sẻ dữ liệu qua nền tảng đã tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng.
Có thể thấy, việc vận hành nền tảng NDXP đã mang lại hiệu quả ban đầu lớn, góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp vẫn phải nộp giấy tờ bản giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công, dẫn đến hạn chế trong thúc đẩy, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số. Dữ liệu còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa liên kết và thống nhất. Người dân, doanh nghiệp phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần, đi lại nhiều nơi khi làm thủ tục hành chính.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tích cực phát triển dữ liệu mở và mở dữ liệu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Các đơn vị cần nghiên cứu đề xuất cơ chế, phương án thu phí được từ dữ liệu để tái đầu tư, duy trì dữ liệu "sống"; đề xuất cơ chế, phương án kinh phí để duy trì Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, bảo đảm huyết mạch chia sẻ dữ liệu quốc gia được thông suốt và phát triển bền vững.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform - NDXP) là hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp quốc gia, bao gồm hạ tầng kỹ thuật, phần cứng, phần mềm và hoạt động nghiệp vụ hỗ trợ đóng vai trò phục vụ tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc khu vực tư (theo nhu cầu).
Ngày 3/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 677/BTTTT-THH về việc hướng dẫn kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua NDXP, giúp việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước được thống nhất, tối ưu, thuận tiện cho việc quản lý, vận hành, duy trì, bảo đảm an toàn thông tin mạng các kết nối trên quy mô toàn quốc.
Đã ra mắt hơn 50 nền tảng công nghệ phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Về triển khai các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số, đã có hơn 50 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ cập nhật và công bố các nền tảng số quốc gia trên Cổng thông tin Chuyển đổi số quốc gia.
Thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến nay, đã có hơn 50 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp và cung cấp thông tin công khai cho các bộ, ngành, địa phương danh mục các nền tảng số phục vụ phát triển chính phủ số, chính quyền số như điện toán đám mây; tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; trợ lý ảo; bản đồ số; họp trực tuyến thế hệ mới... cùng danh sách các doanh nghiệp công nghệ có cung cấp giải pháp.
Về chính phủ số, cơ quan nhà nước có thể tìm thấy thông tin hữu ích tại địa chỉ tech.mic.gov.vn - Chuyên trang giới thiệu về công nghệ mở, các nền tảng phục vụ phát triển chính phủ số do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố, những câu chuyện, mô hình hay về phát triển chính phủ số.
Về xã hội số, danh sách các nền tảng được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn giới thiệu trên trang congdanso.mic.gov.vn có thể kể đến: VTVgo, Voso.vn, Postmart.vn, Be, Zalo, VOVBacsi24, Cốc Cốc, Map4D, Agribank E-mobile Banking, BIDV iBank...
Trong tháng 10 vừa qua, gần 294.000 thành viên của hơn 63.000 Tổ công nghệ số cộng đồng trên cả nước đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” sử dụng các nền tảng số phục vụ việc thanh toán không tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử, dùng dịch vụ công trực tuyến cũng như kỹ năng tự bảo vệ an toàn trên mạng. Qua đó, hỗ trợ người dân chuyển các hoạt động lên môi trường số.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong hành trình chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập và đưa vào hoạt động Cổng chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn kể từ tháng 10/2022.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ định kỳ cập nhật và công bố các nền tảng số quốc gia trên Cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia dx.gov.vn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tiet-kiem-hang-tram-ti-dong-nho-nen-tang-tich-hop-chia-se-du-lieu-quoc-gia-179221103105930964.htm