Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ưu tiên các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

07:08 - 23/08/2023

Tại Hội thảo với chủ đề “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ những kết quả điều hành chính sách và phương hướng trong thời gian tới.

Ngày 22/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm" với sự tham dự của 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức tín dụng, hiệp hội, doanh nghiệp… 

Diễn đàn khoa học để trao đổi cởi mở, thẳng thắn đưa giải pháp giải nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới do Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, như Hoa Kỳ thu hẹp 20%, EU 11%, Trung Quốc 10%... 

Trong nước, theo khảo sát năm 2022 của Vietnam Report, 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; 61,5% gặp khó khăn bởi gián đoạn do "di chứng" của đại dịch Covid-19 gây ra, 53,9% chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng, 48,1% cho rằng sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 40,4% khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nhận định về thời gian tiếp theo, tình hình sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp kể từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng. Số doanh nghiệp tiếp cận tín dụng trong những tháng đầu năm cũng giảm 1000 doanh nghiệp.

Phó Thống đốc cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.

Quyết tâm triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu, và bảo vệ chuỗi cung ứng... 

Cùng với sự sát sao và quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành đã từng bước tháo gỡ các khó khăn, thách thức, khôi phục niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ với nhiều nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh để từng bước phục hồi.

Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.

Theo Phó Thống đốc, những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn, đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi những khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong thời gian tới

Tập trung nhiều giải pháp cấp thiết, trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ doanh nghiệp

PGS. TS Phạm Thế Anh – Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc tế đã phân tích, làm rõ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong nửa đầu năm 2023, đồng thời đề cập đến triển vọng kinh tế, những nguy cơ phải đối mặt trong thời gian tới. Đây là cơ sở để các diễn giả trao đổi sâu hơn về các giải pháp đã được Chính phủ chỉ đạo và các bộ, ngành thực thi, cũng như những suy nghĩ, trăn trở về cách thức để tiếp tục triển khai tốt hơn các giải pháp này.

TS. Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cung cấp một bức tranh tổng thể về môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, đáng chú ý là các diễn biến cảnh báo về việc doanh nghiệp gia nhập và rút khỏi thị trường, vấn đề suy giảm cơ hội việc làm, tình trạng thiếu lạc quan về cơ hội kinh doanh,.. và những rào cản về tài chính xuất phát từ nhiều yếu tố như: Lãi suất, kênh huy động vốn, vai trò của các Quỹ phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức đóng bảo hiểm xã hội, thời hạn gói hỗ trợ về thuế, phí, chi phí tuân thủ...

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ về các chính sách mà ngành Ngân hàng đã thực hiện để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Ngoài các giải pháp điều hành thường xuyên theo hướng mở rộng tín dụng phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các giải pháp tín dụng đặc thù, tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực như bất động sản, lâm sản, thủy sản,… Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đồng hành cùng với doanh nghiệp.

Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia, các đại diện đến từ cơ quan quản lý, Hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp cũng đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong việc tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.

Cần sự đồng bộ, thực thi trong quá trình triển khai chính sách

Kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú một lần nữa nhấn mạnh sức nóng của chủ đề Hội thảo đang thảo luận, cũng như sự đóng góp trí tuệ, trách nhiệm của các diễn giả, các nhà khoa học và sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp về chủ đề này. Phó Thống đốc đánh giá, các nội dung trình bày và thảo luận tại Hội thảo rất có giá trị, các ý kiến đã được thảo luận thẳng thắn, trực diện, khoa học và đa chiều.

Phó Thống đốc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khó khăn còn kéo dài và không ai nói trước được sẽ kéo dài bao lâu, do vậy rất cần sự đồng bộ, thực thi trong quá trình triển khai chính sách. Với thị trường bất động sản trên 90% là khó khăn về mặt pháp lý. 

Đối với vấn đề tín dụng, theo Phó Thống đốc, chúng ta phải nhận diện đúng điểm nghẽn để có thể khơi thông dòng vốn, tháo gỡ điểm còn khó khăn. Tuy nhiên, cũng cần chia sẻ với Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ngành lúc này, bởi hiện nay chính sách đã rất quyết liệt, có thể nói là hàng ngày, hàng giờ, hướng đến mục tiêu cuối cùng là để nền kinh tế không bị trầm lắng, tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết được việc làm cho người dân...

Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp thì rất khó khăn nhưng đứng ở góc độ điều hành vĩ mô, có những thứ thuộc về khó khăn thường xuyên, hay nói cách khác, đó là ngân hàng có nhiệm vụ điều tiết tiền tệ và hoạt động ngân hàng, để làm sao đảm bảo mục tiêu chính trị lớn nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời phải làm sao giúp tăng trưởng kinh tế. 

Phó Thống đốc cũng chỉ ra một số vấn đề khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay mà ngành Ngân hàng phải tính toán và giải quyết một cách hài hòa. 

Phó Thống đốc cũng lưu ý, các ngân hàng thương mại phải thể hiện nhiều hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn tài chính, bên cạnh hạ lãi suất là giảm các loại phí. Đồng thời, cắt giảm các thủ tục tiếp cận tín dụng, tạo cơ hội kích thích nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp. Lúc này, các ngân hàng thương mại phải chia sẻ với các doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu, giãn hoãn lại nợ, Thông tư 02/2023/TT-NHNN Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02), tùy điều kiện thực tế của nền kinh tế có thể xem xét Thông tư 02 cho phù hợp.

Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để giảm chi phí cho doanh nghiệp, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các bộ, ngành tăng cường trao đổi để có thể hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, trong thời gian gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, phù hợp với Việt Nam.


Nguồn: SBV

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tiep-tuc-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-linh-hoat-uu-tien-cac-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-179230823070824085.htm