Tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Đầu tư "ảo" - Thua lỗ thật
Chơi tiền ảo trên các trang mạng bị thua lỗ, nhiều nhân viên văn phòng, kể cả các chủ doanh nghiệp, những người nổi tiếng... đều ít nhiều trở thành nạn nhân của những lời mời, những quảng cáo hấp dẫn nhưng không có căn cứ. Hệ lụy của việc này thì thật khó lường.
Trong năm 2020, giá trị đồng bitcoin đã lên đến gần 6.000-7.000 USD dù khởi điểm chưa đến 1 USD. Sang đến năm 2021, giá bitcoin có thời điểm đã vượt 60.000 USD rồi từ đó lại rớt giá đến 50%-70% như hiện tại. Giá trị đồng tiền này và những đồng tiền vệ tinh xung quanh đều có những ngày lên xuống vài nghìn USD chỉ trong ít giờ. Những đồng "coin" luôn biến động, khiến những nhà đầu tư "đứng ngồi không yên" và cũng không có đủ cơ sở để đánh giá những rủi ro khi quyết định tham gia.
Chuyện mới đây thu hút dư luận là trường hợp của một nữ kế toán trưởng lợi dụng sự tin tưởng, sơ hở của chủ doanh nghiệp, "rút ruột" gần 20 tỷ đồng của công ty ở Hải Dương để đầu tư tài sản kỹ thuật số. Do thua lỗ, vị kế toán trưởng này đã bị khởi tố với tội danh "Tham ô tài sản" của doanh nghiệp.
Đây là một trong số nhiều các trường hợp gần đây đã gây nhức nhối cho dư luận. Bởi hệ lụy từ việc đầu tư thiếu kiến thức, thiếu cơ sở vào "mặt hàng" tiền ảo đã khiến người chơi lâm vào nhiều cảnh tan hoang nhà cửa.
Trong khi đó, những lời mời quảng cáo, hệ thống các trang mạng sinh sôi nhiều như nấm sau mưa và lại dễ dàng tham gia. Những cái tên app như Onus, Atlas, Bitcoin, Pi Network, Ripple, Bitcoin Cash, Litecoin…đều đã dần trở thành quen thuộc đối với giới đầu tư chợ tiền ảo.
Bạn chỉ cần có tài khoản ngân hàng kết nối các thông số với tài khoản mở tại các chợ coin được mở bởi các cá nhân/tổ chức không rõ nguồn gốc. Tất cả việc mua - bán sẽ diễn ra trên app của các công ty trung gian này.
Quan sát các bảng giá, biểu giá, lịch sử giao dịch, biểu đồ... có thể dễ dàng thấy nó có thể được điều khiển được bởi một hệ thống những "robot" phía sau theo chủ ý của "nhà cái". Như vậy, dù tham gia ít hay nhiều, các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm sẽ dễ dàng sập bẫy và mất hết vốn liếng trong một thời gian nhanh chóng.
Thực tế, một trào lưu mới cũng phát được nhiều tín hiệu khởi đầu khi tham gia, nhiều người nhờ giá trị biến động mà mua được nhà, được xe và giàu lên nhanh chóng. Thậm chí, có những bộ phận người giàu còn không thèm quan tâm tới việc làm công ăn lương, khi thấy mới tham gia vào thị trường đã dễ dàng kiếm được tiền. Dẫn tới, bỏ việc và đi đầu tư.
Nhưng nghề chơi nào cũng lắm "công phu". Có nhiều người sau đó đã thua lỗ một cách khó hiểu, khó tin. Càng cố gỡ gạc thì lại càng thua lỗ. Nhất là khi bạn bước qua khỏi ranh giới an toàn của những khoản đầu tư có kiểm soát, sâu hơn nữa bạn bị "lùa" vào sóng của nhóm phái sinh từ biến động giá các đồng coin chính... sẽ không ai có thể giúp được bạn khỏi tình thế mất tất.
Thị trường tiền ảo thì có quá nhiều biến động khó lường, trong khi đó, không có một quy tắc nào để áp dụng và hiểu rõ quy luật vận hành của các đồng tiền kỹ thuật số. Dẫn tới, nhiều trường hợp đã mất trắng tài sản khi mua vào giá cao mà bán với giá thấp.
Trong những năm gần đây, sự hấp dẫn của dòng biến động lên xuống từ loại tài sản "ảo" này lạ thay đã có sức hút ma lực với nhiều người khi đổ xô vào đầu tư với mong muốn làm giàu một cách nhanh chóng. Ngay cả trong giới nghệ sỹ, những người nổi tiếng, thậm chí cả các bạn trẻ, sinh viên dù chỉ có một vài triệu thôi, nhưng cũng ráng mua một phần nào đó với hy vọng làm giàu.
Các cơ quan chức năng cũng đã rất nhiều lần khuyến cáo: Mỗi người dân cần hết sức thận trọng với dạng kinh doanh mời chào đến hàng trăm phần trăm lãi suất, hoặc lợi nhuận x2, x3 tài khoản khi tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo đang có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi.
Chính phủ Việt Nam cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều công việc, biện pháp, cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Trước khi bắt đầu đầu tư vào tiền ảo hoặc các loại tài sản kỹ thuật số hiện nay, bạn hãy suy xét thật kỹ thiệt hơn, hoặc giả nếu bạn đã từng tham gia, thì hãy chọn giải pháp an toàn là để lại một phần vốn đủ để kiểm soát trong trường hợp đồng coin về 0, bạn vẫn không lâm vào cảnh "cháy túi".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tien-ky-thuat-so-tai-viet-nam-dau-tu-ao-thua-lo-that-179221105155328538.htm