Thủy Trầm - làng nuôi cá chép đỏ cúng ông Công, ông Táo: "Mất ăn mất ngủ" chờ ngày tát ao

17:23 - 06/01/2023

Cá chép đỏ đang bơi - mặt hàng không thể thiếu trong lễ cúng 23 tháng chạp cận Tết Nguyên đán của các gia đình đồng bằng Bắc Bộ hầu như được cung cấp bởi một làng nghề thơ mộng với cái tên gắn chặt với nghề nuôi cá giống: Làng Thủy Trầm.

Làng Thủy Trầm ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê của tỉnh Phú Thọ. Thời điểm này, cả làng "mất ăn mất ngủ" háo hức chờ Tết đến. Bởi hằng năm, ngày vui như hội làng là ngày cả làng tát ao - 20 tháng chạp. Sau khi mang cá từ ao lên chứa vào bể nhỏ là phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần là chợ cá chép đỏ cúng ông Táo sẽ họp. Từ đây cá đi muôn nơi qua thương lái. Qua lễ cúng 23 tháng chạp là cả làng ăn Tết to. 

Người già ở làng Thủy Trầm khẳng định nghề nuôi cá giống của họ hình thành từ năm 1960. Bằng chứng là cái tên cũng nói lên nghề của làng là Thủy Trầm. Năm 2017, xã Tuy Lộc quyết định thành lập Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm để liên kết các hộ, hỗ trợ người dân sản xuất, cung cấp giống. Tháng 12/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ đã công bố và bàn giao văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá chép đỏ Thuỷ Trầm” cho hợp tác xã.

Thủy Trầm, hồi hộp chờ ngày cả làng tát ao  - Ảnh 1.

Cổng làng Thủy Trầm - thủ phủ cá chép đỏ cúng ông Táo. Ảnh: TTH

Thực tế thì trước ngày cả làng tát ao 1 tuần, các thương lái ở tỉnh xa như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai đã tới lấy cá rồi. Họ mang đi đường xa, phải gói ghém đặc biệt một chút giữ cá sống đến 23 tháng chạp nên phải cẩn thận chút. Còn các tỉnh lân cận với Phú Thọ thì cứ 20 tháng chạp tới chợ. Lúc đó nhà nhà lên cá, cứ nhìn biết ngay cá ao nào đỏ rực, ao nào hơi vàng, có đốm thì giá lại rẻ. Ông bà nào nuôi được cá đỏ chót màu đẹp là nở mặt nở mày, dương dương tự đắc. Vì cá ấy có giá cao chút cũng được tranh mua. Ai chả thích lễ cúng có vài con chép màu sắc rực rỡ cho may mắn, hanh thông trước thềm năm mới. 

Các chép nào đỏ hơn, màu sắc rực rỡ hơn sẽ được giá hơn (ảnh chụp 6/1/2023) trước ngày cả làng tát ao. Ảnh: TTH 

Giống cá chép đỏ cũng không có gì đặc biệt. Ông Đích - chủ ao nuôi cá giàu kinh nghiệm nhất nhì ở làng bảo, ngày trước các cụ nuôi cá lâu năm có phát hiện ra loại giống cá có màu đỏ ở sông Thao. Ban đầu cũng loại ra vì người ta không ăn cá đỏ, sau bán trước Tết để các nhà cúng cá sống lại thấy đẹp. Dần chúng tôi nuôi có kinh nghiệm, nuôi cá có màu cá thắm đỏ và giống cá này lại khỏe, ít bệnh; tát ao rồi vẫn sống khỏe, đề kháng tốt mang được đi xa.  

Thủy Trầm, hồi hộp chờ ngày cả làng tát ao  - Ảnh 3.

Cá chép đỏ là giống cá khỏe, háu ăn, kháng bệnh và thuần kiểu thời tiết rét mướt của tháng chạp. Ảnh: TTH

Cả làng cá đỏ hồi hộp chờ ngày tát ao cận Tết nguyên đán. Ảnh: TTH 

Hiện nay, toàn xã Tuy Lộc có khoảng 250 hộ nuôi cá chép đỏ với trên 1.000 lao động của làng. Mỗi vụ Tết, làng nghề này cung cấp ra thị trường khoảng gần 50 tấn cá mỗi năm. Năm nay, đặt trước tại ao trước ngày 20 tháng chạp, giá cá sống chỉ dưới 100 ngàn/kg. Đến Tết, tùy vào việc khan hàng hay không, giá lại đẩy lên chút. Chị Mai, một hộ nuôi cá cười xòe: "Nghề nuôi cá chép đỏ 6 tháng chăm bẵm, 1 ngày bán mua. Sau 23 tháng chạp thì bán cho ai. Vậy nên giá gì thì đã tát ao là bán". 

Thủy Trầm, hồi hộp chờ ngày cả làng tát ao  - Ảnh 5.

Làng cá đỏ Thủy Trầm chờ vụ Tết. Ảnh: TTH

Điều thú vị là ngoài nghề nuôi các loại cá giống thông thường quanh năm, làng Thủy Trầm lại có sinh khí, có thu nhập hơn nhờ cá phóng sinh, cá chép đỏ, cá cảnh, thậm chí là cá koi - bán cho các gia đình giàu có làm bể thủy sinh sân vườn. Lâu nay thì cá chép từ ngôi làng tần tảo này vượt cổng làng đi khắp mọi miền. Những ngày này, tới làng Thủy Trầm mà nghe nông dân bàn chuyện cả làng tát ao đã thấy vui lây không khí háo hức chờ Tết về. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thuy-tram-lang-nuoi-ca-chep-do-cung-ong-cong-ong-tao-mat-an-mat-ngu-cho-ngay-tat-ao-179230106164815045.htm