Thực trạng bệnh đậu mùa khỉ ở một số nước châu Á

09:32 - 30/07/2022

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, tại khu vực Đông Nam Á đã có 14 ca bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài Philippines mới ghi nhận 1 ca trong ngày 29/7 thì Singapore đã ghi nhận 11 ca và Thái Lan ghi nhận 2 ca đậu mùa khỉ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, tính đến 17h30 ngày 29/7 trên thế giới đã ghi nhận 21.148 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 78 quốc gia, trong đó phần lớn là ở châu Âu. Tại khu vực Đông Nam Á đã có 14 ca bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài Philippines mới ghi nhận 1 ca trong ngày 29/7 thì Singapore đã ghi nhận 11 ca và Thái Lan ghi nhận 2 ca đậu mùa khỉ.

dau mua khi 03.jpg

Hành khách tại một sân bay ở Ấn Độ được kiểm tra các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: CNN

14 ca bệnh đậu mùa khỉ ở Đông Nam Á

Philippines ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc đậu mùa khỉ

Theo Hãng tin PTVnews, Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 29/7.

Trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Beverly Ho cho biết, ca bệnh đậu mùa khỉ là một người Philippines 31 tuổi "đã từng đi du lịch đến các quốc gia được ghi nhận có virus đậu mùa khỉ".

Bệnh nhân có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ qua xét nghiệp RT-PCR tại Viện Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Philippines ngày 28/7 vừa qua. Bệnh nhân đã được xuất viện và hiện đang được theo dõi, cách ly tại nhà. Trong đó, 3 trong số 10 người tiếp xúc gần với bệnh nhân là thuộc một hộ gia đình.

Những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân được khuyến cáo nên đi xét nghiệm virus đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế Philippines đảm bảo với người dân nước này rằng "hệ thống giám sát sức khỏe cộng đồng" của Philippines có khả năng "phát hiện và xác nhận" các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Singapore có 11 ca bệnh đậu mùa khỉ

Theo kênh Channelnewsasia, Bộ Y tế Singapore mới đây đã thông báo thêm một trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 27/7, nâng tổng số ca nhiễm đậu mùa khỉ ở nước này lên 11 trường hợp kể từ ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào tháng 6/2022. Với 11 ca mắc, Singapore là nước có nhiều ca đậu mùa khỉ nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo thông tin được cập nhật trên website của Bộ Y tế Singapore, bệnh nhân là một người đàn ông Singapore 32 tuổi. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ vào ngày 26/7, hai tuần sau khi người này phát sốt (vào ngày 12/7). Trên cơ thể bệnh nhân cũng đã xuất hiện các vết thương là dấu hiệu của người mắc đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế nước Singapore cho biết, sự lây nhiễm của ca bệnh đậu mùa khỉ này không liên quan đến bất kỳ trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nào trước đó.

Trước đó, ngày 21/6, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện ở Đảo quốc sư tử này trong 3 năm qua. Bệnh nhân là một người đàn ông quốc tịch Anh, 42 tuổi và có xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ vào ngày 20/6. Người này làm tiếp viên hàng không và có các chuyến bay đến và rời Singapore vào giữa tháng 6/2022.

Tính đến 17h30 ngày 29/7 trên thế giới đã ghi nhận 21.148 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 78 quốc gia, trong đó phần lớn là ở châu Âu
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ

Thái Lan có 2 ca bệnh đậu mùa khỉ

Bộ Y tế Công cộng Thái Lan ngày 28/7 thông báo, ca mắc đậu mùa khỉ thứ hai ở nước này là một người đàn ông sống cùng 10 người khác ở Thủ đô Bangkok.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 2 ở nước này là một người đàn ông 47 tuổi, đã xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau đầu và cơ, sưng hạch bạch huyết, phát ban trên cơ thể kể từ ngày 12/7. Người này được lấy mẫu xét nghiệm và xác nhận dương tính với virus đậu mùa khỉ, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Vajira.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan, 10 người sống cùng với ca bệnh này đã được khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện tự cách ly 21 ngày. Hiện chưa có kết quả về những trường hợp này.

Lực lượng chức năng của Thái Lan cũng đang cố gắng truy vết, xác định những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ số 2 để có biện pháp ứng phó.

Trước đó, ngày 21/7, Thái Lan đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước này là một thanh niên 27 tuổi người Nigeria. Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan Opas Karnkawinpong, người đàn ông này có đi du lịch tới Nigeria, sau đó đã khởi phát các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ cũng như ốm mệt khoảng 1 tuần. Bệnh nhân này sau đó đã bỏ trốn từ Thái Lan sang Campuchia.

Bộ Y tế Campuchia sau đó đã phối hợp tìm kiếm với chính quyền các tỉnh trên toàn quốc và tạm giữ công dân Nigeria tại Thủ đô Phnom Penh vào tối 23/7. Hiện nay Sở Y tế Phnom Penh đã đưa bệnh nhân người Nigeria đi điều trị tại Bệnh viện Khmer Soviet.

Ngày 25/7, sau cuộc họp khẩn cấp, mặc dù nâng mức báo động quốc gia về bệnh đậu mùa khỉ, song giới chức Thái Lan quyết định không coi đậu mùa khỉ là một "bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng", khẳng định y tế nước này hoàn toàn có thể kiểm soát sự lây lan của virus. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Bangkok, Thái Lan cũng đã đặt những khu vực có nguy cơ cao ở thủ đô vào tình trạng cảnh báo cao nhất đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Trước đó, chuyên gia hàng đầu về virus của Thái Lan Yong Poovorawan đã cảnh báo Thái Lan nên thận trọng với nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát trong bối cảnh nước này mở cửa hoàn toàn cho du khách nước ngoài từ ngày 1/7 vừa qua.

14 ca bệnh đậu mùa khỉ ở Đông Nam Á, các nước tăng cường kiểm soát phòng dịch - Ảnh 3.

Ảnh: channelnewsasia.com

Campuchia nâng cao cảnh giác đề phòng bệnh đậu mùa khỉ

Sau khi phát hiện trường nhiễm đậu mùa khỉ bỏ trốn từ Thái Lan sang Campuchia - tại Thủ đô Phnom Penh vào tối 23/7, Bộ Y tế Campuchia đã yêu cầu những người từng liên hệ trực tiếp với bệnh nhân người Nigeria nói trên phải nhanh chóng thực hiện cách ly và kiểm tra sức khỏe hoặc thông báo cho cơ quan y tế nơi gần nhất.

Bộ Y tế Campuchia đề nghị người dân nước này thực hiện ngay những biện pháp phòng chống đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của cơ quan này ban hành trước đó, không tiếp xúc bệnh nhân đậu mùa khỉ, thú rừng, ăn thức ăn chín, giữ gìn vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, cồn.

Việt Nam: Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ  

Ngày 29/7, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Theo đó, đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

Tình hình đậu mùa khỉ ở một số nước Đông Bắc Á

Hàn Quốc có 1 ca mắc đậu mùa khỉ

Ngày 25/7, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ và quyết định không thắt chặt các quy tắc dựa trên đánh giá của họ về nguy cơ của dịch bệnh đối với người dân Hàn Quốc.

Cuộc họp khẩn diễn ra sau tuyên bố ngày 23/7 của Tổ chức Y tế Thế giới rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ trở thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Trong một thông cáo báo chí, các quan chức y tế cho biết bất chấp mức cảnh báo cao nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới, tình hình ở đây không thay đổi kể từ khi nước này phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước này vào ngày 22/6 vừa qua.

Hàn Quốc yêu cầu cả bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ và những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân này phải ở nhà cách ly tối thiểu 21 ngày.

Có khoảng 500 liều tecovirimat, loại thuốc trị bệnh đậu mùa khỉ duy nhất ở nước này, với các kế hoạch đang được tiến hành để đảm bảo đủ vắc xin đậu mùa thế hệ thứ ba cho 5.000 người.

Các bước phòng chống bệnh đậu mùa khỉ do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc đưa ra bao gồm hạn chế đến thăm những nơi đã biết có dịch đậu mùa khỉ; tránh tiếp xúc gần với những người có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ; thường xuyên rửa tay và giữ gìn vệ sinh cá nhân.

14 ca bệnh đậu mùa khỉ ở Đông Nam Á, các nước tăng cường kiểm soát phòng dịch - Ảnh 5.

Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Ảnh: CNN

Nhật Bản có 2 ca mắc đậu mùa khỉ

Ngày 28/7, Nhật Bản đã xác nhận ca thứ 2 mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này là một người đàn ông ở độ tuổi 30 sinh sống tại Thủ đô Tokyo.

Giới chức thành phố Tokyo cho biết người đàn ông này đã từng ra nước ngoài và hiện đang nhập viện. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hiện ổn định.

Trước đó, ngày 25/7, Nhật Bản xác nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước này, là một người đàn ông khoảng 30 tuổi sống ở thủ đô Tokyo.

Bệnh nhân trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 đã đi du lịch ở một nước châu Âu. Tại đây, người này có tiếp xúc gần với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Chính phủ Nhật Bản đã ban bố cảnh báo cấp 1 đối với căn bệnh này và yêu cầu công dân nước này trên khắp thế giới thực hiện các biện pháp tăng cường phòng ngừa để phòng chống lây nhiễm. Chính quyền nước này cũng khuyến cáo những người có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hoặc đang ở ngoài Nhật Bản cần đặc biệt thận trọng.

Nhật Bản cũng đã thành lập một lực lượng đặc biệt đối phó với sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ do Phó Chánh văn phòng Nội các phụ trách Quản lý Khủng hoảng Takashi Murata đứng đầu.

Lực lượng này đã tổ chức cuộc thảo luận đầu tiên vào ngày 25/7 và đưa ra chiến lược phòng chống sự lây lan của căn bệnh này.

Ấn Độ ghi nhận 4 ca đậu mùa khỉ

Ấn Độ cũng đang trong tình trạng báo động cao sau khi nước này xác nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ thứ 4 ở thủ đô Delhi ngày 25/7. Ca bệnh là một người đàn ông 34 tuổi, nhập viện trong tình trạng phát ban và sốt kéo dài hai tuần. 3 ca bệnh đậu mùa khỉ trước đó là những du khách đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được phát hiện ở bang Kerala, miền Nam nước này.

Các nhà chức trách Ấn Độ cho biết, việc khám nghiệm tại sân bay đã được tăng cường và một đội y tế cấp cao đã được triển khai tới Kerala để hỗ trợ các cơ quan y tế bang ứng phó với đậu mùa khỉ.

Trong một tuyên bố ngày 26/7, Poonam K. Singh - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, nguy cơ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở Đông Nam Á là "vừa phải nhưng khả năng lây lan ra quốc tế là có thật".

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ, nhưng "một phần đáng chú ý" trong số các ca bệnh bùng phát toàn cầu là ở những người đồng tính nam và lưỡng tính. Điều đó không có nghĩa là virus lây truyền qua đường tình dục, nhưng các tiếp xúc "da kề da" trong một thời gian nhất định là một trong những cách lây lan chính bệnh đậu mùa khỉ.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thuc-trang-benh-dau-mua-khi-o-mot-so-nuoc-chau-a-179220729181710458.htm