Thực hư Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên?
Thông tin không rõ ràng khiến công chúng hiểu nhầm cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT có nội dung đáng chú ý như sau:
Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.
Theo đó, thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT-04 quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thực hiện theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thì giáo viên mỗi cấp học có 03 chứng chỉ tương ứng với 03 hạng chức danh nghề nghiệp.
Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2021) và điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành như sau: mỗi chuyên ngành có 01 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần.
Vì vậy, tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau:
Chỉ quy định 01 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.
Khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng theo quy định tại 4 Thông tư nói trên và khi chuyển chức danh nghề nghiệp thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.
Cần điều kiện gì để bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?
Trên một số phương tiện truyền thông thời gian vừa qua đưa tin không rõ ràng khiến giáo viên hiểu nhầm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Chẳng hạn một tờ báo có tiêu đề: "Lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên". Hay một báo khác đưa tin: "Bãi bỏ hàng loạt quy định về chức danh nghề nghiệp với giáo viên".
Sở dĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên đó là Luật Viên chức quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33).
Việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả ngành, lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục. Do đó, quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm tính thống nhất trong quy định về quản lý viên chức.
Vậy nên, muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thuc-hu-bo-giao-duc-va-dao-tao-bo-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-179230415193510538.htm