Thúc đẩy tăng trưởng hệ sinh thái khởi nghiệp kỹ thuật số ASEAN
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 5/10, Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức Đối thoại Cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 8 với chủ đề "Thúc đẩy tăng trưởng hệ sinh thái khởi nghiệp kỹ thuật số ASEAN".
Đối thoại Cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 8 gồm hai phiên thảo luận về chủ đề "Khai phá tiềm năng kinh doanh ASEAN" và "Định hình sự phát triển của các start-up kỹ thuật số ASEAN".
Trong phiên thảo luận, các chuyên gia hàng đầu khu vực đã tập trung phân tích, trao đổi về tiềm năng, thế mạnh của hệ sinh thái start-up kỹ thuật số khu vực, các lĩnh vực hợp tác nhằm hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo từ các start-up kỹ thuật số, các nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái kỹ thuật số lành mạnh và tăng trưởng mạnh mẽ.
Các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số là "chìa khóa" phục hồi kinh tế
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ASEAN đã tăng gần 20% lên hơn 316 triệu người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ASEAN dự kiến đạt 5% trong năm nay và 5,3% trong năm tới, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.
Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế Satvinder Singh nhấn mạnh rằng các công ty khởi nghiệp (start-up) kỹ thuật số thực sự là "chìa khóa" phục hồi kinh tế và là "chất xúc tác" cho tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á. Kinh tế kỹ thuật số dự kiến đóng góp 363 tỉ USD vào GDP của ASEAN vào năm 2025.
Bằng cách thu hút tài trợ và trực tiếp tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo của địa phương, đặc biệt tạo ra công ăn việc làm, các start-up kỹ thuật số là "một phần thiết yếu" trong tầm nhìn của ASEAN nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế khu vực.
Theo Phó Tổng thư ký Satvinder, thương mại điện tử tiếp tục là lĩnh vực được các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực quan tâm. Doanh thu của lĩnh vực này dự kiến đạt gần 140 tỉ USD trong năm nay và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 15% từ nay đến năm 2025. Lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) - một chuỗi giá trị quan trọng khác của nền kinh tế kỹ thuật số - tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong đó các giao dịch thanh toán kỹ thuật số khu vực dự kiến đạt 195 tỉ USD trong năm nay.
Sự phát triển của các start-up kỹ thuật số là "chương trình nghị sự ưu tiên cao"
Thách thức đối với nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN là mức độ sẵn sàng kỹ thuật số khác nhau giữa các quốc gia thành viên; các start-up kỹ thuật số tập trung ở một vài thành phố và khu vực... Vì thế, cần xác định một số yếu tố chính cần thúc đẩy nhằm hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp ở tất cả các thành phố, thủ đô lớn của ASEAN.
Ông Satvinder cho biết Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 coi sự phát triển và tăng trưởng của các start-up kỹ thuật số là "chương trình nghị sự ưu tiên cao". Theo đó, các yếu tố thành công chính trong phát triển các start-up kỹ thuật số, bao gồm tài năng kỹ thuật số, chương trình giáo dục, các biện pháp khuyến khích cần thiết để phát triển các start-up kỹ thuật số, trong đó tập trung vào môi trường pháp lý và cơ sở hạ tầng.
Một số sáng kiến riêng của ASEAN nhằm hỗ trợ cho các start-up kỹ thuật số, bao gồm Cơ chế hải quan ASEAN về thương mại điện tử; sáng kiến thiết lập mã định danh kỹ thuật số cho các doanh nghiệp ASEAN; nỗ lực xây dựng hệ thống luật pháp trong khu vực nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại phi giấy tờ; và việc vận hành hệ thống thanh toán bán lẻ theo thời gian thực.
Phó Tổng thư ký Satvinder nhấn mạnh rằng tất cả các sáng kiến nói trên đều thực sự quan trọng và là nền tảng nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của một thế hệ khởi nghiệp mới trong toàn bộ khu vực.
Theo chỉ số toàn cầu về hệ thống khởi nghiệp kỹ thuật số, được công bố như là một phần của Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022, Singapore có môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ dành cho các startup tốt nhất thế giới. Mỹ đứng thứ hai, trong khi Thụy Điển đứng thứ ba trong số 113 nền kinh tế trong danh sách.
Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo trong những năm qua, thể hiện trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), từ hạng 52/141 quốc gia và nền kinh tế năm 2015 đến hạng 44/132 năm 2021, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng hạng, từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022 đã cung cấp một bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện, đa chiều trong 11 lĩnh vực nổi bật: hàng tiêu dùng nhanh, án lẻ, giáo dục, tài chính, chăm sóc sức khỏe, martech & salestech, logistics và chuỗi cung ứng, phát triển bền vững, nông nghiệp, du lịch và lữ hành, blockchain & crypto.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thuc-day-tang-truong-he-sinh-thai-khoi-nghiep-ky-thuat-so-asean-17922100606480447.htm