Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
"Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - đó là chủ đề của Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào ngày mai, 26/12 tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Hội thảo do thành phố Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đại diện các bộ, ban, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu của trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp… với lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của mình sẽ gợi mở, phân tích, định hướng, góp ý, khuyến nghị các vấn đề liên quan đến thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản, giúp cho thành phố Hạ Long có cái nhìn toàn diện, sâu sắc ở các góc độ khác nhau về các vấn đề nêu trên.
Đó cũng là những tài sản rất quý báu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và quản trị địa phương ngày càng hiệu quả hơn, làm cơ sở quan trọng để thành phố hoạch định chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.
Theo Ban tổ chức, Hội thảo được tổ chức trong một thời điểm hết sức quan trọng, có nhiều ý nghĩa, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc thành phố đang thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 30 năm vịnh Hạ Long được Tổ chức UNESCO vinh danh Di sản Thiên nhiên thế giới.
Hạ Long trên hành trình đổi mới sáng tạo
Thành phố Hạ Long vốn có một lượng lớn tài nguyên nhân văn với 96 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt; 6 di tích quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và 73 di tích đã được kiểm kê, phân loại.
Thêm vào đó, Hạ Long hiện có nhiều di tích khảo cổ được coi là tài nguyên chưa phát lộ và rất quý giá của cộng đồng các dân tộc sinh sống và làm việc tại thành phố. Trong đó nổi bật hơn cả là thành phố đang sở hữu di sản thiên nhiên tầm cỡ hàng đầu thế giới đó là vịnh Hạ Long 3 lần được UNESCO vinh danh.
Đây là những di sản làm nên thương hiệu của thành phố trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong những năm qua, Hạ Long là một trong những địa phương luôn có sự tìm tòi, đổi mới về tư duy, cách làm mới, sáng tạo và những quyết sách, hành động đột phá góp phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng trong thời gian qua, dưới sự định hướng và chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản đã là mục tiêu chiến lược được thành phố Hạ Long nỗ lực thực hiện và bước đầu gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Cùng với việc phát huy các di sản văn hóa địa phương, Di sản vịnh Hạ Long giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, là động lực trong phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Với vai trò đó, song song với các nỗ lực bảo vệ di sản, các sản phẩm du lịch biển đảo trên vịnh Hạ Long đã được thành phố xây dựng và phát triển dựa trên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, được khai thác ở tầm quốc gia và quốc tế. Từ chỗ chỉ đón vài chục nghìn khách tham quan trước khi được công nhận di sản, đến nay mỗi năm vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách tham quan, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, làm cho ngành du lịch - dịch vụ có những bước phát triển nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.
Thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển mạnh kinh tế di sản, làm cho di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành nguồn lực, động lực tăng trưởng, tạo ra sự đột phá phát triển cho nền kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương; xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của hoa và lễ hội, phát triển hệ sinh thái du lịch Hạ Long trở thành điểm đến hấp dẫn.
Nhận diện khó khăn để tìm động lực phát triển
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được trong quản lý, khai thác giá trị di sản thời gian qua, Hạ Long cũng nhận diện còn nhiều khó khăn, thách thức đó là các vấn đề về đảm bảo sự cân bằng giữa gia tăng tăng trưởng và bảo vệ môi trường; cần giải quyết hài hòa giữa phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, du lịch trên cùng địa bàn; giữa tốc độ đô thị hóa nhanh với phát triển bền vững, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long và tài nguyên rừng; đòi hỏi thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, kết cấu hạ tầng giữa các khu vực thành thị và nông thôn.
Bên cạnh đó, tác động hiện hữu do thiên tai, biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh làm gia tăng nguy cơ ngập lụt, không chỉ ở những khu vực thấp trũng mà cả ở những khu vực khác, cho thấy tính dễ tổn thương ngày càng tăng của thành phố biển. Phát triển không gian đô thị biển chưa đủ tính hấp dẫn, đặc sắc, tôn vinh di sản; còn thiếu sự kết nối hài hòa giữa đô thị và di sản, kiến trúc công trình thường mang phong cách hiện đại, đơn giản, chưa có sự kết nối với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa địa phương.
Ngoài ra, để có thể khẳng định được vị trí là trung tâm của chiến lược phát triển "Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá" và trở thành thành phố của đổi mới sáng tạo, thành phố của di sản; thành phố kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; một trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản được xem là một hướng đi đúng đắn góp phần khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu địa phương; giúp Hạ Long chuẩn bị tâm thế vững vàng, tự tin để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.