Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hai dự án giao thông trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh

PV
12:07 - 27/07/2022

Sáng 27/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát hai dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh là Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên và Dự án xây dựng nút giao thông An Phú, Thành phố Thủ Đức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hai dự án giao thông trọng điểm, làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có các đồng chí:  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyến khảo sát nhằm nắm bắt tình hình, các khó khăn, vướng mắc để tìm hướng giải quyết, thúc đẩy tiến độ và bảo đảm chất lượng các dự án này.

Sau chuyến khảo sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, bảy tháng đầu năm và một số dự án đầu tư công trọng điểm của Thành phố.

Thủ tướng thị sát ga Bến Thành và ga Ba Son, nghe báo cáo tiến độ Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hai dự án giao thông trọng điểm, làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Thủ tướng nghe báo cáo tiến độ dự án metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh với mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, trong đó vốn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khoảng 80%. Tuyến giao thông được kỳ vọng góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và giúp đô thị lớn nhất cả nước trở nên năng động, hiện đại hơn.

Được khởi công năm 2008, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và đi vào hoạt động do nhiều nguyên nhân. Hiện dự án đã đạt khoảng 91,4% tổng tiến độ xây dựng, lắp đặt và Thành phố Hồ Chí Minh đang đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành thêm 2 năm, đến quý IV/2023. Hiện trên công trường có 2.180 kỹ sư, lao động làm việc.

Theo quy hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh có 11 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có 8 tuyến metro và 3 tuyến đường sắt nhẹ. Tổng vốn đầu tư cần khoảng 25 tỉ USD, đến nay Thành phố đã bố trí, cân đối được khoảng 5 tỉ USD.

Thủ tướng đề nghị các bên liên quan hoàn thành dứt điểm dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, các bộ, ngành, cơ quan vào cuộc giải quyết cụ thể các khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Thủ tướng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tăng cường khai thác không gian ngầm tại khu vực các ga, nhất là ga Bến Thành - nơi kết nối 4 tuyến metro theo quy hoạch và xây dựng, phát triển khu vực này với tầm nhìn dài hạn, tránh ùn tắc.

Thủ tướng cũng đề nghị JICA nghiên cứu, xem xét về vốn, cùng phía Việt Nam tổng kết kinh nghiệm từ dự án này... để tiếp tục hỗ trợ  triển khai các tuyến metro khác của Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường sắt kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ và Đồng Nai... theo tinh thần triển khai ODA thế hệ mới mà Thủ tướng và Thủ tướng Kishida Fumio đã trao đổi trong các cuộc gặp gần đây.

Thủ tướng khảo sát Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú, Thành phố Thủ Đức 
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hai dự án giao thông trọng điểm, làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Thủ tướng khảo sát dự án xây dựng nút giao thông An Phú, Thành phố Thủ Đức. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công trình nằm tại điểm đầu của tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ (tức đại lộ Đông Tây), được kỳ vọng giảm ùn tắc cho tuyến đường vào cảng Cát Lái (đường Đồng Văn Cống) và giao thông khu vực cửa ngõ phía đông, kết nối thuận lợi với sân bay quốc tế Long Thành khi sân bay hoàn thành và đưa vào khai thác, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực Thủ Đức nói riêng, Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Dự kiến dự án được khởi công vào tháng 10/2022, phấn đấu hoàn thành vào dịp 30/4/2025, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ tướng đề nghị triển khai dự án theo hướng không chỉ giải quyết vấn đề giao thông, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật mà còn chú ý cả về mặt mỹ thuật, tạo cảnh quan đẹp, điểm nhấn ấn tượng, xứng tầm về kiến trúc, một biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức, có giá trị lâu trong tương lai hàng trăm năm, khai thác, phát triển du lịch và các dịch vụ, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác tốt không gian, trong đó có không gian ngầm tại khu vực đắc địa, có giá trị rất lớn này.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-khao-sat-hai-du-an-giao-thong-trong-diem-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-179220727111942483.htm