Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

22:52 - 04/04/2023

Ngày 4/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường.

Kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc 

Trong cuộc điệm đàm, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực trong quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua, đặc biệt là sau chuyến thăm thành công mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối tháng 10/2022, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và thuận lợi.

Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng, tình hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí, vừa là anh em" Việt-Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước đích thân gây dựng và dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước, cần không ngừng kế thừa, bảo vệ và phát huy; nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương đối với sự phát triển của mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng cường trao đổi, phối hợp thúc đẩy quan hệ song phương 

Về phương hướng thúc đẩy hợp tác thời gian tới, hai Thủ tướng nhất trí sẽ tăng cường trao đổi, phối hợp, nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương bước vào giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là chỉ đạo các bộ ngành, địa phương hai bên triển khai thực hiện tốt nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhất là "Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc" (11/2022), tăng cường tiếp xúc cấp cao và các cấp, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, cân bằng.

Tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các địa phương và đoàn thể nhân dân; duy trì cơ chế hợp tác hữu nghị giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hai nước; tiếp tục thực hiện tốt 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền, kịp thời trao đổi xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, cùng xây dựng biên giới hai nước trở thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện về thuận lợi hóa thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam; nâng hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc xuất khẩu đi nước thứ ba; tạo thuận lợi để Việt Nam mở thêm văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc; hoan nghênh Trung Quốc sớm có các dự án đầu tư quy mô lớn, chất lượng cao, công nghệ mới tại Việt Nam. Đề nghị hai bên tích cực giải quyết vướng mắc, tồn đọng kéo dài tại một số dự án hợp tác như dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2...; triển khai hiệu quả hợp tác du lịch, nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bày tỏ coi trọng và nhất trí với những ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước; khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao vai trò quốc tế; khẳng định Trung Quốc sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản; phối hợp thúc đẩy giải quyết các dự án hợp tác quan trọng còn tồn đọng kéo dài...

Giải quyết tranh chấp, bất đồng vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình

Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo tinh thần nhận thức chung cấp cao và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc". Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai bên cần phát huy tốt các cơ chế đàm phán về phân định và hợp tác trên biển, cố gắng đạt tiến triển theo tinh thần từ dễ đến khó, từ thấp đến cao; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).

Nguồn: Báo Chính phủ

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-dien-dam-voi-thu-tuong-trung-quoc-ly-cuong-179230404220453851.htm