Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững

PV
21:34 - 14/07/2022

Chiều 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Hội nghị tổ chức trực tuyến giữa Trụ sở Chính phủ với Ủy ban nhân dân 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.

Bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả  - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: 

Thời gian qua, tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, khó lường, tác động tới nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn.

Đến thời điểm này, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đã đạt 371 tỷ USD và nếu không có gì thay đổi sẽ đạt khoảng 200% GDP vào cuối năm. Dự kiến GDP năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 6,8 - 7%.

Trong nền kinh tế đất nước hiện nay, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.

 Tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều ý kiến tham luận, đánh giá rõ thực trạng, đề ra các giải pháp để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh.

Thị trường bất động sản còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, thị trường bất động sản có những đóng góp hết sức quan trọng trong toàn nền kinh tế; đóng góp của ngành bất động sản trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác chiếm khoảng 4,5% GDP. Năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định. Sang đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp cho hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, hiện nay hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi. Việc lập và phê duyệt Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở còn chậm và chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định. 

Nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương, nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý, đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất. Giá bất động sản nhà ở tăng cao so với thu nhập của người dân. 

Các sàn giao dịch bất động sản hình thành, hoạt động mang tính tự phát, thiếu ổn định; còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” làm nhiễu loạn thị trường; hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt; giao dịch bất động sản chưa được minh bạch; việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro; công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế; hoạt động chia tách quyền sử dụng đất, "phân lô, bán nền" còn có một số tồn tại...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, hiện đã có trên 280 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, riêng năm 2021, có 174 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, chiếm 33,6% tổng khối lượng phát hành trái phiếu toàn thị trường.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho hay, đến thời điểm 31/05/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả  - Ảnh 2.

Ảnh: chinhphu.vn

Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP từ năm 2013 đã hoàn thành việc giải ngân vào cuối năm 2016 với doanh số 29.679 tỷ đồng tạo điều kiện cho hơn 53.000 đối tượng gặp khó khăn có điều kiện tiếp cận về nhà ở. Đến ngày 30/06/2022, Chương trình đã thu nợ lũy kế là 22.486 tỷ đồng; dư nợ cho vay còn lại là 7.189 tỷ đồng, nợ xấu 1,72%.

Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: đến ngày 31/05/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 8.223 tỷ đồng, dư nợ 7.036 tỷ đồng; dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội của các chương trình cho vay về nhà  ở đối với các đối tượng chính sách là 3.131 tỷ đồng với hơn 129 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống là 309.506 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2021, chiếm 2,74% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất các giải pháp chính sách liên quan tới thị trường bất động sản; đề nghị Chính phủ có chính sách hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá.

Hội nghị đánh giá, thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: Giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng; Kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn rất hạn chế; Nguồn cung nhà ở thương mại chưa được cải thiện; Công tác đấu giá đất tại một số địa phương đã xuất hiện những hạn chế, tồn tại; Thị trường quyền sử dụng đất chưa minh bạch …

Hội nghị nhận định, phân khúc bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục phát triển.

Kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hướng đến phát triển thị trường minh bạch và bền vững; Hoàn thiện khung khổ pháp lý để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, dùng các công cụ tài chính về thuế để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá.

Triển khai xây dựng một số khu nhà ở xã hội tập trung, có quy mô diện tích đất lớn, đồng bộ về hạ tầng; Phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao nhất; Tăng cường hỗ trợ, ưu đãi nhất định về đất đai, thuế và các chính sách ưu đãi khác về đầu tư nhà ở xã hội, bố trí đầy đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị.

Một trong những đề xuất quan trọng, phù hợp với tình hình thực tế, có thể khắc phục được nhiều khiếm khuyết của thị trường bất động sẩn là bỏ khung giá đất, quy định bảng giá đất phù hợp với thị trường, linh hoạt trong việc điều chỉnh bảng giá đất; đơn giản hóa quy trình điều chỉnh bảng giá đất đã được đưa ra tại Họi nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.



Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-phat-trien-thi-truong-bat-dong-san-an-toan-lanh-manh-ben-vung-17922071418413974.htm