Thủ tướng khẳng định với nhà đầu tư nước ngoài: Việt Nam không thiếu điện
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định với nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ không thiếu điện dù sản lượng tiêu thụ dự báo tăng tới 15%.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đại diện một số nhà đầu tư bày tỏ quan tâm về tình hình cung ứng điện, tài chính cho năng lượng tái tạo, chính sách ưu đãi lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam không thiếu điện.
Tình trạng thiếu điện đã được khắc phục ngay trong năm nay, Việt Nam không thiếu điện
Liên quan tới cung ứng điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2023, Việt Nam có thiếu hụt điện cục bộ tại một số thời điểm, nhưng sang năm 2024, mặc dù sản lượng điện tiêu thụ tăng tới 15%, có những ngày vượt 1 tỉ kWh/ngày, cao nhất trong lịch sử, song cung ứng điện vẫn được bảo đảm. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu điện, với các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện.
Đơn cử như tải điện, các đường dây 500 kV trước đây phải làm trong 2 năm, thậm chí 4 năm, nhưng hiện nay chỉ mất khoảng 6 tháng. Cùng với đó, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung chính sách với việc chuẩn bị ban hành các nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Việt Nam ưu tiên thúc đẩy các dự án phát triển xanh
Với nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sắp ban hành nghị định liên quan thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư từ chủ yếu ưu đãi thuế sang ưu đãi tài chính, chi phí, đất đai… đối với dự án ưu tiên. Mặt khác, định hướng của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối, nhất là phục vụ các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển mạnh một số lĩnh vực mới có tính đột phá, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Để thúc đẩy phát triển xanh, người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải triển khai các giải pháp đồng bộ: nâng cao nhận thức về phát triển xanh; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp; huy động nguồn lực hợp tác công tư; xây dựng hạ tầng chuyển đổi xanh, nhất là hạ tầng về điện, sóng viễn thông; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; nâng cao năng lực quản trị xanh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả nước, cả hệ thống chính trị và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Việt Nam đang rất tích cực giảm phát thải trong nông nghiệp, trong đó có chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng Sông Cửu Long, đây là dự án đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này.
Nhấn mạnh Việt Nam rất quan tâm đến các kinh nghiệm, đề xuất cơ chế, khuyến nghị chính sách, nhu cầu thực tiễn, Thủ tướng đề nghị WEF và các đối tác tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam trong việc tham vấn, góp ý xây dựng, hoạch định các chính sách phù hợp, hiệu quả; tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào các sáng kiến, hệ sinh thái của WEF.
Đồng thời kỳ vọng, WEF và các đối tác tiếp tục phát huy vai trò quan trọng là cầu nối đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và hợp tác, đầu tư, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tuong-khang-dinh-voi-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-viet-nam-khong-thieu-dien-179240626170237242.htm