Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ninh Thuận đang và sẽ thoát "khó, khô, khổ"

11:30 - 28/04/2024

"Tỉnh Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo, với "3 chữ kh" là "khó, khô và khổ", song bằng sức sống mãnh liệt, Ninh Thuận đã và sẽ vươn lên mạnh mẽ; thể hiện năng lực biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể để vươn lên, tiến kịp, đi cùng" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Ngày 28/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề "Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt" tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm của tỉnh này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ninh Thuận đang và sẽ thoát "khó, khô, khổ"- Ảnh 1.

Sáng 28/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề "Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt". Ảnh: TTXVN

5 trụ cột phát triển của Ninh Thuận: Năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao với các sản phẩm đặc trưng; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng kinh doanh bất động sản.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg, ngày 10/11/2023 đã nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển, với tầm nhìn chiến lược "Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt".

Quy hoạch bố trí không gian phát triển và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; đề ra các khâu đột phá để phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

Theo Quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận phát triển theo hướng thu hút đa dạng các nguồn lực, tích hợp các nguồn lực, tập trung vào 5 trụ cột phát triển chính, có tính cạnh tranh cao là: năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao với các sản phẩm đặc trưng; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng kinh doanh bất động sản.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2050 phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề "Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt", tỉnh Ninh Thuận giới thiệu hình ảnh mảnh đất, con người, các tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, định hướng phát triển của Ninh Thuận đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh; đồng thời công bố danh mục 55 dự án thu hút vốn đầu tư trọng tâm thuộc 5 trụ cột phát triển chính, có tính cạnh tranh cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện, đồng hành để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Ninh Thuận.

Tại Hội nghị này, tỉnh Ninh Thuận cũng trao Quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) 14 dự án lớn với các nhà đầu tư, có tổng số vốn hơn 120 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ninh Thuận đang và sẽ thoát "khó, khô, khổ"- Ảnh 3.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030 tập trung cho phát triển đô thị về phía biển. Ảnh: Cổng TTĐT Ninh Thuận

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, dẫn dắt, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mặt đất, mặt nước, biển, không gian ngầm, các nguồn tài nguyên…; tạo ra những cơ hội lớn, lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội; là động lực quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước nói chung, từng vùng, từng địa phương nói riêng.

Quán triệt các nội dung tư tưởng chủ đạo, các yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác xây dựng quy hoạch, Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác này đã được các cấp, ngành, địa phương tập trung đầu tư, chú trọng chỉ đạo thực hiện. Hiện, cả nước đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch; phấn đấu sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm nay.

Về tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững. Ninh Thuận là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên giao điểm của 3 vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có hệ thống giao thông đồng bộ, đủ loại hình phương thức vận tải; tiềm năng phát triển du lịch rất lớn; có Vườn quốc gia Núi Chúa, nhiều công trình kiến trúc cổ Champa còn nguyên vẹn; có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng, như: Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương.

Ninh Thuận có lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; bờ biển dài 105 km; là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước; miền đất cát trắng, nắng vàng có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo; có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Đặc biệt, Ninh Thuận có bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời; là nơi sinh sống của 32 dân tộc anh em với nền văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực, đạt được kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2023 đạt bình quân 8,6%/năm, cao hơn bình quân của cả nước; riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh/thành phố và 2/14 tỉnh thành vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Quy mô GRDP năm 2023 đạt trên 52,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9 lần so năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế, thách thức của Ninh Thuận, như: điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu khô hạn; xuất phát điểm khá thấp; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; sản xuất công nghiệp chưa tạo được đột phá; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, liên thông; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

"Tỉnh Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo, với "3 chữ kh" là "khó, khô và khổ", song bằng sức sống mãnh liệt, Ninh Thuận đã và sẽ vươn lên mạnh mẽ; thể hiện năng lực biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể để vươn lên, tiến kịp, đi cùng", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ninh Thuận đang và sẽ thoát "khó, khô, khổ"- Ảnh 4.

Vịnh Vĩnh Hy tiềm ẩn nhiều lợi thế về du lịch, bất động sản, đô thị... thắng cảnh tuyệt đẹp của tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận: Kinh tế biển và kinh tế đô thị là động lực phát triển

Đánh giá về Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Quy hoạch đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học. Theo đó, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Nam Trung Bộ theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, 5 nhóm ngành đột phá quan trọng, lấy kinh tế biển và kinh tế đô thị làm động lực phát triển.

Nhấn mạnh 5 trụ cột, đột phá quan trọng Ninh Thuận cần thực hiện trong thời gian tới về năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới; tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người.

Cùng đó, tỉnh tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, kết nối thị trường; đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm; phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận khẩn trương triển khai hiệu quả Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tỉnh Ninh Thuận phải phát huy hiệu quả 3 vùng động lực; ưu tiên nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các địa phương trong vùng Nam Trung bộ, khu vực Tây nguyên. Quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh, như: du lịch, năng lượng tái tạo…

Thủ tướng yêu cầu Ninh Thuận tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các công trình thủy lợi, hệ thống đập ngăn mặn, kè chống sạt lở…; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số PAPI, PCI...; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.

"Ninh Thuận phải phổ biến sâu rộng Quy hoạch nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần: Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành Trung ương phối hợp, hỗ trợ cùng tỉnh Ninh Thuận triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận; đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng giải quyết các vấn đề liên tỉnh, thành phố, trong đó nghiên cứu xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ các dự án có tính liên tỉnh, thành phố thuộc vùng...

Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát huy sứ mệnh của mình trên tinh thần 3 cùng "cùng lắng nghe, thấu hiểu", "chia sẻ tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển"; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tích cực đóng góp ý kiến cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội.

"Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng toàn thể các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Ninh Thuận đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; tạo khí thế, động lực mới cho phát triển", Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, Ninh Thuận sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch đã công bố, trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững, tạo động lực, truyền cảm hứng và đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Tại Hội nghị, hướng ứng kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, 23 đơn vị, doanh nghiệp đã trao tỉnh Ninh Thuận hơn 7 tỷ đồng ủng hộ phong trào thi đua Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước từ nay đến năm 2025.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-ninh-thuan-dang-va-se-thoat-kho-kho-kho-179240428113059582.htm