Thủ tướng Chính phủ: Phải thảo luận kỹ và đánh giá toàn diện môn Lịch sử, đề xuất phương án phù hợp
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi xem xét Báo cáo của Bộ này ngày 31/5/2022 về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến cử chi, đại biểu Quốc hội liên quan đến Chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp trung học phổ thông.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để thảo luận kỹ, đánh giá toàn diện với môn Lịch sử để đề xuất phương án phù hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; làm tốt hơn công tác truyền thông để xã hội cập nhật đầy đủ hơn đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác giáo dục môn Lịch sử cho học sinh.
Trong thời gian qua, việc đưa môn Lịch sử là tự chọn hay bắt buộc không chỉ nhận được sự quan tâm bàn luận của người dân mà còn là vấn đề được các đại biểu Quốc hội bàn luận sôi nổi.
Chia sẻ quan điểm của mình với báo chí, đại biểu Quốc hội– cô giáo Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ phát triển như hiện nay, học môn Lịch sử là điều vô cùng cần thiết với thế hệ trẻ.
Đại biểu Hà Ánh Phượng giải thích: Đối với các em học sinh bậc trung học, nhân sinh quan, thế giới quan của các em đã trưởng thành hơn nhiều so với các cấp học khác, vì thế khi học môn Lịch sử các em sẽ tiếp cận ở một góc độ khác hơn; nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa thì việc học Lịch sử là điều vô cùng cần thiết đối với thế hệ trẻ.
Việt Nam rất tự hào vì chúng ta có hàng nghìn năm lịch sử, nhưng có quốc gia trên thế giới lịch sử chỉ tính bằng trăm năm. Nên đối với bộ môn Lịch sử, đại biểu Phượng hy vọng sẽ được đặt ở vị trí thích hợp hơn thay vì là môn học tự chọn.