Thủ tướng Chính phủ: Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án giao thông trọng điểm
Thủ tướng yêu cầu trong trường hợp gặp khó khăn, trở ngại, chủ đầu tư, các nhà thầu cần đồng tâm, hiệp lực, "chỉ bàn làm, không bàn lùi," dám nghĩ dám làm, đưa công trình, dự án về đích đúng kế hoạch.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 70/TB-VPCP ngày 28/2/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm để nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, làm việc trên tinh thần "vượt nắng, thắng mưa," "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương," thi công "3 ca 4 kíp," "xuyên lễ, xuyên Tết," làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra đối với từng hạng mục công trình và cả dự án.
Quán triệt tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả." Trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, "chỉ bàn làm, không bàn lùi," quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích đúng kế hoạch.
Nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc không chia nhỏ gói thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, triển khai thi công. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng công trình, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Chú trọng việc tạo cảnh quan môi trường, không gian chung của các dự án khi hoàn thành, thể hiện được dấu ấn, các giá trị văn hóa của dân tộc, đặc trưng bản sắc từng vùng, địa phương.
Trước 30/4/2025, hoàn thành Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất
Về Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, ACV đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để triển khai dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu, tuy nhiên, nhu cầu đưa dự án vào khai thác sớm là rất cấp thiết nhằm giảm tải cho nhà ga T1. Vì vậy, cần phấn đấu rút ngắn tiến độ, hoàn thành và đưa vào khai thác công trình trước ngày 30 tháng 4 năm 2025, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975).
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ mỹ thuật công trình, khai thác hiệu quả Dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ACV khẩn trương rà soát, nghiên cứu phương án kết nối giữa 3 nhà ga tại Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất để bảo đảm thuận tiện, lưu thoát nhanh, không gây ách tắc cục bộ.
Chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị liên quan tập trung xây dựng lại tiến độ chi tiết, xây dựng tiến độ tổng thể với đường "găng" theo mục tiêu mới về thời điểm hoàn thành Dự án.
Phát động phong trào thi đua đến ngày 30/4/2025, kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có các hình thức động viên, khen thưởng, bồi dưỡng thích hợp đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động.
Nghiên cứu hoàn thiện thêm về thiết kế kiến trúc, tạo điểm nhấn mỹ thuật cho công trình nhà ga; tăng cường ánh sáng, cây xanh, tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, bảo đảm hài hòa kiến trúc của công trình.
Luôn luôn chú trọng công tác bảo đảm an toàn lao động trên toàn phạm vi công trường, tại mọi thời điểm, tuyệt đối không để xảy ra sự cố mất an toàn lao động.
Quy hoạch, xây dựng các khu dịch vụ văn minh, hiện đại, đặc trưng, xanh sạch, đẹp; Thực hiện công tác lựa chọn các đơn vị khai thác các dịch vụ tại nhà ga theo đúng quy định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.
Bộ Quốc phòng nghiên cứu phương án di dời trung tâm chỉ huy của Sư đoàn Không quân 370 để chuyển mặt bằng cho hàng không dân dụng nhằm tạo thuận lợi cho giao thông, cảnh quan khu vực nhà ga T3 và khai thác hiệu quả cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất; đồng thời xây dựng giải pháp điều hành đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2024...
Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1: Năm 2024 là năm tăng tốc, năm 2025 là năm bứt phá để 6 tháng đầu năm 2026 tập trung hoàn thiện, bàn giao
Về Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đây là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ duyệt dự án đầu tư từ năm 2020, nhưng quá trình triển khai giai đoạn đầu rất chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư.
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực, hỗ trợ, quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, nhất là Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, đồng thời với tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục những hạn chế của ACV, đến nay có nhiều chuyển biến rất tích cực, sau 2 năm đã triển khai được khối lượng lớn công việc, trong đó đặc biệt đã lựa chọn được nhà thầu quốc tế đối với gói thầu lớn, quan trọng nhất của dự án (gói thầu nhà ga hành khách 5.10); nhiều công việc đã được triển khai và có kết quả tích cực.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ACV tập trung thực hiện các nhiệm vụ.
Về tiến độ, quán triệt đến các đơn vị liên quan (nhà thầu, tư vấn, giám sát…), đến từng cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động xác định rõ năm 2024 là năm tăng tốc, năm 2025 là năm bứt phá để 6 tháng đầu năm 2026 tập trung hoàn thiện, bàn giao đưa vào khai thác.
Các bộ, ngành khẩn trương triển khai các dự án thành phần, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với các hạng mục chính của Dự án khi đưa vào vận hành khai thác. Phấn đấu, cố gắng rút ngắn tiến độ hoàn thành, thi công khẩn trương, tiết kiệm thời gian thi công.
Các chủ đầu tư khẩn trương xây dựng lại tiến độ tổng thể, tiến độ chi tiết mốc tiến độ hoàn thành mới của hạng mục, dự án thành phần làm cơ sở triển khai, kiểm tra và theo dõi giám sát.
Phát động phong trào thi đua với các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể từ nay đến ngày 30/4/2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Về chất lượng, các cơ quan liên quan phải thường xuyên kiểm tra, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng công trình theo quy định.
Về mỹ thuật, vệ sinh môi trường: phải đảm bảo yêu cầu về mỹ thuật, vệ sinh môi trường; công trình phải mang dấu ấn kiến trúc, bố trí cây xanh cảnh quan phù hợp với điều kiện tự nhiên khu vực góp phần tăng thêm vẻ đẹp của công trình; tăng cường quản lý công tác an toàn lao động trên công trường, đặc biệt khi nhiều hạng mục công trình triển khai đồng thời; tiếp tục phát động phong trào 1 triệu giờ công lao động an toàn trên công trường.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương nghiên cứu quy hoạch phát triển thành phố Long Thành là thành phố sân bay; rà soát các đối tượng cần chuyển đổi nghề, bố trí lao động, ưu tiên đào tạo nghề, tuyển dụng, tạo việc làm, sinh kế để giải quyết chế độ cho người dân tái định cư theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thẩm định hồ sơ các trụ sở cơ quan quản lý nhà nước thuộc Dự án thành phần 1 làm cơ sở để triển khai đáp ứng tiến độ chung của Dự án. Hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho các chủ đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề xuất bố trí tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng của các dự án khác vào khu dân cư, tái định cư Lộc An-Bình Sơn, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án triển khai giai đoạn 2 của dự án và đường cất hạ cánh thứ 2 báo cáo cấp thẩm quyền để đầu tư ngay sau khi hoàn thành dự án giai đoạn 1.
Khẩn trương triển khai dự án thành phần 4 (các công trình khác); có phương án thiết kế, thi công, quản lý xây dựng áp dụng công nghệ BIM.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định dự án điều chỉnh chủ trương tái định cư; hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 tại cuộc họp Tổ công tác ngày 29/12/2023.
Về các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, trong đó với dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rà soát, đề xuất phương án cung ứng cát san lấp phục vụ dự án hoàn thành trước ngày 28/2/2024.
Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, chủ trì cuộc họp các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng và các địa phương (An Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh…) để có phương án điều phối, giải quyết dứt điểm cát đắp nền đường để bảo đảm đáp ứng đủ, kịp thời cho dự án (hoàn thành chậm nhất trong tháng 3/2024).
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 100% diện tích để thi công dự án trước ngày 30/6/2024 (trong đó đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch hoàn thành chậm nhất ngày 31/3/2024).
Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương (tỉnh Bình Dương, Đồng Nai) phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai đầu tư tuyến đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án thành phần đưa vào khai thác đồng bộ, sớm phát huy hiệu quả của tuyến đường.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cầu Nhơn Trạch thuộc đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch, phấn đấu hoàn thành vào dịp 30/4/2025, chào mừng 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời rà soát tổng thể để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn tuyến kết nối vào cầu để thông tuyến, sớm đưa công trình vào khai thác.
Lập Đoàn công tác vào Đồng Nai hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai giải phóng mặt bằng của Dự án Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu
Với Dự án Đường Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Dự án đã khởi công từ tháng 6/2023, mặc dù các nhà thầu đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, nhân lực nhưng không có mặt bằng và khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp tại các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Công tác giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất chậm; 6 khu tái định cư đang triển khai thực hiện, trong đó 2 khu tái định cư tại thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai mới phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, chưa triển khai xây dựng.
Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cử Đoàn công tác vào Đồng Nai làm việc, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ công tác di dời các đường điện cao thế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Đoàn công tác do Thứ trưởng làm trưởng đoàn vào Đồng Nai làm việc, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khuyến khích người dân tái định cư tự nguyện), hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng chậm nhất đến ngày 30/6/2024.
Về mỏ vật liệu thông thường phục vụ dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm khẩn trương xác định đủ nguồn vật liệu đắp cho các dự án và sớm hoàn thiện thủ tục để giao các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH14 của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ.
Đối với kiến nghị sử dụng đất tại một phần khu vực quy hoạch nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (giai đoạn 2), tạo nguồn đất đắp phục vụ thi công dự án Biên Hòa-Vũng Tàu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm thực hiện theo thẩm quyền để kịp thời cung cấp cho Dự án.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, kịp thời xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét quyết định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Về kế hoạch vốn năm 2024, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm cân đối, bố trí nguồn năm 2024 cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để đáp ứng đủ vốn trong kế hoạch dự kiến tăng thêm năm 2024 bảo đảm phục vụ thi công dự án, tuyệt đối không được ảnh hưởng đến tiến độ thi công do không có vốn.
Về bố trí bổ sung các nút giao: Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu rà soát, bổ sung các nút giao để khai thác hiệu quả tuyến cao tốc, mở rộng không gian phát triển (nghiên cứu bố trí trung bình khoảng 10 km một nút giao).
Khẩn trương thẩm định Dự án Đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài
Về các dự án giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, hoàn thành trong tháng 2 năm 2024.
Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thiện phương án nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đề xuất tối đa 2 phương án khả thi nhất để xem xét, quyết định.
Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền quyết định trong tháng 3 năm 2024.
Bộ Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, bao gồm đầu tư đường sắt kết nối (trên cao hoặc đi ngầm), bảo đảm kịp thời khai thác, vận hành đồng bộ hai Cảng hàng không khi đưa vào sử dụng.
Xem xét việc sử dụng vốn dư đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để cắt cong, mở rộng tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải nâng cao năng lực tiếp nhận tàu
Về phát triển cảng biển, hàng hải, với bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 52/TB-VPCP ngày 13/2/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 2 Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định các kiến nghị của Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn: cho phép sử dụng vốn dư đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để cắt cong, mở rộng tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải nâng cao năng lực tiếp nhận tàu; tăng nguồn vốn bảo trì các tuyến luồng, nhất là tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải bảo đảm chuẩn tắc cho tàu lớn vào/rời cảng; bố trí nguồn vốn đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn để tăng cường hỗ trợ hoạt động hàng hải.
Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông đường thủy nội địa (nhất là các tuyến đường thủy nội địa kết nối với khu bến Cái Mép-Thị Vải với Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ), phát triển các bến thủy nội địa, cảng cạn và các tuyến đường sắt để tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa đi/đến cảng biển lớn, qua đó giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam so với khu vực và thế giới.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công trình, trong đó lưu ý chỉ đạo giải quyết công tác tái định cư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đời sống cho người dân; kết nối hệ thống cao tốc, thu phí không dừng tại sân bay; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vướng mắc, vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng kết quả thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế làm việc của Chính phủ.