Thủ tướng chỉ rõ nhiệm vụ để doanh nghiệp Việt "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh"

PV
08:03 - 05/11/2024

Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp Việt không chỉ phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Tối 4/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 9 năm 2024, với chủ đề "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh".

Sự kiện do Hội đồng Thương hiệu Quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, nhằm thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng các thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, ngành và doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững, đáp ứng xu hướng thị trường thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ. Chủ đề của chương trình năm nay nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ hành tinh xanh và phát triển bền vững.
Thủ tướng chỉ rõ nhiệm vụ để doanh nghiệp Việt "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh"- Ảnh 1.

Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã công bố và trao danh hiệu Thương hiệu Quốc gia năm 2024 cho 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ; trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.

Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, cũng như những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024. Đây đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước khoảng 150 nghìn tỷ đồng, bảo đảm công ăn, việc làm cho trên 600 nghìn lao động và người dân, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Qua hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia ngày càng khẳng định là 1 trong những Chương trình uy tín, chất lượng. Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024.

Thủ tướng đánh giá, Chương trình vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt, góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ "Việt Nam" trên thị trường quốc tế; khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng Thương hiệu quốc gia.

Nhắc đến đánh giá của Brand Finance, trong những năm gần đây, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc: Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022, giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023 - Thủ tướng khẳng định: "Đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu quốc gia và tác động tích cực từ các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong kiến tạo môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững".

Các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu; thế giới đang chuyển dần từ mô hình kinh tế tiêu thụ tài nguyên truyền thống sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm. Không nằm ngoài xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt với khả năng sáng tạo của mình có thể tận dụng cơ hội này để vươn lên, đóng vai trò tích cực trong sự chuyển dịch toàn cầu.

Vì vậy, các doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia của mình không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sức bật cho các ngành, lĩnh vực tiên phong; không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; không chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng cho rằng, cần hiểu rõ thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh". Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. 

Thủ tướng chỉ rõ nhiệm vụ để doanh nghiệp Việt "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh"- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. Ảnh: VGP

Theo đó, Thủ tướng lưu ý thời gian tới các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh; tận dụng lợi thế uy tín thương hiệu quốc gia, đồng thời kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm với thương hiệu quốc gia Việt Nam; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các cam kết về giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường.

Hai là, không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, góp phần nâng cao uy tín của thương hiệu, tạo niềm tin vững chắc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Ba là, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; tăng cường chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; áp dụng các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, tự động hóa trong sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chủ động tiến vào kỷ nguyên xanh.

Bốn là, tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp; tuân thủ quy định pháp luật; xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu.

Năm là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi, chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và làm việc chuyên nghiệp, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập trên các lĩnh vực; tiếp tục tăng cường kết nối mạng lưới nhân tài, trí thức người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Sáu là, chú trọng xây dựng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cả về vật chất và tinh thần cho người lao động. Tích hợp giá trị cốt lõi của đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội vào chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phát huy hơn nữa tinh thần dân tộc, lòng yêu nước gắn với văn hóa doanh nghiệp, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Điều Đảng, Nhà nước luôn mong muốn nhất, chia sẻ, gửi gắm nhiều nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân đem thời gian, trí tuệ, lòng nhân ái, tinh thần đạo đức kinh doanh là những cội nguồn cho phát triển bền vững của doanh nghiệp, tiến vào kỷ nguyên xanh. Chúng ta có quyền tự hào là các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta ngày càng tiến bộ, ngày càng phát triển, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế 'xin - cho', sách nhiễu 

Thủ tướng nêu rõ, Đại hội XIII đã đề ra nhiệm vụ: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…". Bám sát chủ trương này, Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tận dụng triệt để hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước, từ đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta đang triển khai 3 đột phá chiến lược: Thứ nhất là đột phá về thể chế để thuận lợi nhất, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo những cơ hội, cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp, doanh nhân một cách hiệu quả nhất; thứ hai là xây dựng và phát triển hạ tầng chiến lược để góp phần giảm giá thành, giảm chi phí đầu vào, chi phí logistics, tạo ra không gian phát triển mới, kiến tạo cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Công cuộc xây dựng và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam có nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và không ngừng nâng cao thương hiệu của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Sự thành công và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp là thước đo sự thành công trong công tác điều hành, quản lý của Nhà nước. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - coi việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.

"Hiện nay chúng ta còn nhiều điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn về thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV; chúng ta phải tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất, phải coi trọng thời gian và trí tuệ ở điểm này để tháo gỡ thật nhanh. Chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2030, năm 2045 nếu như thập kỷ tới đây chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Chúng ta phải phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong những thập kỷ tới đây thì mới đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2030, năm 2045" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương: Tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, để tiên phong và tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục đề xuất, tham mưu kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực, toàn cầu; kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế "xin - cho", sách nhiễu, làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới nổi, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Đẩy mạnh các hoạt động phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, gắn với việc hỗ trợ xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, ngành và quốc gia, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, doanh nghiệp và sản phẩm.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tuong-chi-ro-nhiem-vu-de-doanh-nghiep-viet-vuon-minh-tien-vao-ky-nguyen-xanh-179241105080342569.htm