"Thư từ Roma": Bài 6 - Thế hệ “âu lo” và nỗi buồn an sinh xã hội

“Con người không cảm thấy chán nản khi cùng nhau đối mặt với các vấn đề xã hội. Họ chán nản khi cảm thấy bị cô lập, cô đơn hoặc vô dụng".

Cháu gái tôi, 21 tuổi và đang học năm cuối tại một đại học quốc tế ở Hà Nội, mới chia sẻ lên Facebook dòng trạng thái ngắn: "Thế hệ âu lo".
Trích dẫn đi kèm post viết thế này: "Con người không cảm thấy chán nản khi cùng nhau đối mặt với các vấn đề. Họ chán nản khi cảm thấy bị cô lập, cô đơn hoặc vô dụng".
Thế hệ âu lo - Vì sao nên nỗi?
Đương nhiên, ở dưới dòng post này là một loạt những phản hồi đồng tình, và các lượt like, thả tim từ bạn cùng lớp, hoặc đồng lứa tuổi của con bé.
Kể từ cuộc suy thoái năm 2008, cụm từ NEET (Not in Education, Employment, or Training - Không học hành, không việc làm, không tham gia hướng nghiệp) để mô tả về một thế hệ thanh thiếu niên từ 15-29 tuổi "sống bất an trong vật vờ" đã trở nên quen thuộc, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hãy hình dung thế này, đây là những thanh niên đang trong độ tuổi sung sức nhất, song họ chỉ có thể ở nhà xem tivi, hoặc làm các công việc tạm thời với mức lương rất thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống.
Theo con số thống kê từ World Bank, tỉ lệ NEET tại Việt Nam năm 2023 ở mức 10,8%.
Các chuyên gia cho biết, ngày càng nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy căng thẳng về tình trạng mất việc và sự ổn định của công việc, tình trạng kinh tế, sự thiếu hụt tính di động xã hội giữa các thế hệ và triển vọng độc lập tài chính của họ. Điều này có thể là do hầu hết các công việc hiện có chỉ là tạm thời và không có đủ sự bảo vệ từ an sinh xã hội.

Báo cáo có tiêu đề Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2024 (GET for Youth) cảnh báo số lượng thanh niên từ 15 đến 24 tuổi không có việc làm, không được giáo dục hoặc đào tạo (NEET) là con số đáng lo ngại.
Báo cáo GET for Youth ghi nhận cơ hội tiếp cận việc làm vẫn còn hạn chế ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Một phần năm thanh niên, hay 20,4%, trên toàn cầu trong tình trạng NEET vào năm 2023. Hai phần ba thanh niên trong tình trạng NEET này là nữ. Báo cáo cảnh báo rằng tỷ lệ NEET liên tục duy trì ở mức cao và việc làm thỏa đáng tăng trưởng không kịp đang gây ra sự lo lắng ngày càng tăng trong thanh niên ngày nay, họ cũng chính là nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao nhất từ trước đến nay.
Italia: Chi phí an sinh xã hội do thế hệ "âu lo" có lúc đến 2% GDP
Những dòng tâm sự của cháu gái tôi, từ Việt Nam, lạ thay, cũng là tâm trạng của rất nhiều thanh niên Italia hiện nay. Tỉ lệ thanh niên "lo âu vật vờ" - NEET tại Italia năm 2023 là 11,4% - cao hơn Việt Nam, vẫn theo thống kê được World Bank công bố. Con số này đã giảm khá mạnh, so với những năm trước đó, khi tỉ lệ NEET tại Italia có lúc lên đến 24% - Giáo sư Enrico Luca, giảng viên môn Kinh tế quốc tế và mô hình phát triển tại Đại học quốc tế UNINT (Roma), cho biết.
Nỗ lực lớn nhất của chính phủ Italia để đối phó với tình trạng NEET là Chương trình Garanzia Giovani (Hỗ trợ Thanh niên), được triển khai từ năm 2014, với ngân sách 1,5 tỷ euro. Chương trình này giúp thanh niên đăng ký trực tuyến, sau đó các cơ quan việc làm địa phương sẽ hỗ trợ tìm kiếm việc làm hoặc đào tạo kỹ năng.
Tuy nhiên, chính sách đó vẫn chưa tạo được nhiều hiệu quả.
Theo một báo cáo của dự án nghiên cứu xã hội học do StarNet thực hiện, Italia có số lượng NEET kỷ lục ngay cả trong nhóm tuổi 30-34. Bên cạnh nhóm thanh niên thất nghiệp, một phần đáng kể trong số NEET tại Ý là các bà mẹ trẻ "không thể" hoặc "không được tạo cơ hội" đi làm. Đây là một vấn đề nghiêm trọng trong bối cảnh dân số Ý đang già hóa và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục tại Liên minh Châu Âu. Một ước tính của Eurofound từng cho thấy, chi phí xã hội do NEET gây ra chiếm 1,2% GDP của châu Âu và con số này tại Ý lên tới 2% GDP.

Trên toàn cầu, hơn một nửa số lao động trẻ đang làm việc phi chính thức. Ảnh minh hoạ: PV
Phân tích dữ liệu của StarNet cho rằng, có một số nguyên nhân chính khiến Ý có tỷ lệ NEET cao hơn mức trung bình của châu Âu, đó là nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không có đủ kỹ năng thực tế mà các công ty yêu cầu, cùng với các chính sách kết nối cung - cầu lao động còn yếu kém. Song một trong những yếu tố văn hóa khác, có tác động mạnh mẽ đến tỉ lệ NEET tăng cao, đó là mô hình văn hóa gia đình tại Ý, nơi nhiều thanh niên có xu hướng phụ thuộc vào cha mẹ, nên sẵn sàng ở nhà "không việc làm, không học tập" và "ăn bám gia đình" lâu hơn so với thanh niên các nước khác.
Bất bình đẳng về cơ hội khiến nhiều thanh niên mất hy vọng tương lai
Theo báo cáo "Xu hướng Việc làm Toàn cầu cho Thanh niên 2024" của tổ chức ILO, người trẻ ở một số khu vực, nhất là phụ nữ trẻ, không thấy được lợi ích của sự phục hồi kinh tế. Báo cáo cũng cảnh báo về tình trạng lao động giản đơn ở người trẻ tuổi ngày càng tăng, và khoảng cách giữa nguồn cung ứng lao động mới ra trường và số lượng công việc phù hợp mà họ có thể đảm nhận ngày càng lớn. Hiện có quá nhiều người trẻ nằm trong nhóm NEET và cơ hội tiếp cận việc làm ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển bị hạn chế.
Trên toàn cầu, hơn một nửa số lao động trẻ đang làm việc phi chính thức. Rất có thể, tỉ lệ NEET cao là bởi các thanh niên này tham gia các hình thức lao động phi chính thức, theo kiểu tự kinh doanh, hoặc được trả lương tạm thời mà không đóng thuế hay bảo hiểm xã hội.
Báo cáo cảnh báo, tỷ lệ NEET tiếp tục cao và sự tăng trưởng không đủ của việc làm bền vững đang gây ra sự lo lắng ngày càng tăng trong giới trẻ ngày nay. "Không ai trong chúng ta có thể hướng tới một tương lai ổn định, khi hàng triệu người trẻ trên khắp thế giới không có công việc ổn định, khiến họ cảm thấy bất an và không thể xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, cũng như cho gia đình" - Tổng giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo nhấn mạnh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tu-roma-bai-6-the-he-au-lo-va-noi-buon-an-sinh-xa-hoi-179250308052245648.htm