Thủ khoa vẫn trượt nguyện vọng 1 Đại học Bách khoa Hà Nội: Rối loạn về phương thức tuyển sinh
Thủ khoa trượt đại học là một nghịch lý trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2 năm gần đây. Hiện tượng này cho thấy sự rối loạn về phương thức tuyển sinh đại học và sự bất cập của kỳ thi "hai trong một" này.
2 thủ khoa trượt nguyện vọng 1 đại học
Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn của 52 ngành đào tạo theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Ngành Khoa học máy tính (IT1) lấy 29,42 điểm, cao nhất năm nay.
Công thức tính điểm chuẩn của ngành Khoa học máy tính như sau: (Toán x 2 + Môn 2 + Môn 3) x 3/4 + Điểm ưu tiên. Ngành này chấp nhận tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh).
Đáng chú ý, thí sinh Nguyễn Mạnh Thắng (cựu học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Giang) và thí sinh Nguyễn Mạnh Hùng (cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Trưng Vương, Hưng Yên) là thủ khoa tổ hợp A00.
Cả 2 thí sinh này cùng đặt nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo đó, Nguyễn Mạnh Thắng đạt 9,75 Vật lý, 10 Hóa học, còn Nguyễn Mạnh Hùng đạt 10 Vật lý và 9,75 Hóa học. Cả hai cùng đạt 9,6 điểm Toán, tổng 29,35 nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 7.985 sinh viên. Trong đó, 15-20% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển tài năng, 85-90% xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đánh giá tư duy do trường tổ chức.
Điểm chuẩn năm ngoái của Đại học Bách khoa Hà Nội theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất 28,29 ngành Kỹ thuật máy tính, thấp nhất 23,03 ở các ngành Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật in, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường.
Lí do nào khiến thủ khoa vẫn trượt đại học?
Thứ nhất, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay, hầu hết các ngành, chương trình đào tạo của đại học này đều xét tuyển bằng các tổ hợp có môn chính. Theo công thức như đã đề cập ở trên, khi xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính, thí sinh nào đạt điểm cao môn Toán sẽ có lợi thế.
Cụ thể, Nguyễn Mạnh Thắng và Nguyễn Mạnh Hùng cùng đạt 9,6 điểm môn Toán, do đó cả hai thí sinh đều không có lợi thế so với những thí sinh đạt điểm 10 môn Toán.
Thứ hai, nhóm ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính (Đại học Bách khoa Hà Nội) dành chỉ tiêu xét tuyển phương thức kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển những thí sinh xuất sắc nhưng không có điều kiện dự thi đánh giá tư duy.
Đây cũng là nhóm ngành có điểm chuẩn tất cả các phương thức cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội. Ở phương thức kết quả thi đánh giá tư duy, điểm chuẩn thuộc top 5% thí sinh có điểm cao nhất.
Thứ ba, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cách cộng điểm ưu tiên đối với thí đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên khác so với những năm trước nên điểm ưu tiên của hai thủ khoa rất thấp, không đủ tổng điểm vào ngành IT1.
Theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên.
Trong đó, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5, khu vực 2 là 0,25; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Theo công thức tính điểm ưu tiên của năm nay, hai thủ khoa chỉ có thêm khoảng 0,05 điểm cộng, chưa đủ giúp các thí sinh trúng tuyển.
Liên quan đến hiện tượng thủ khoa vẫn trượt đại học, nhiều giáo viên cho biết phương thức tuyển sinh đại học hiện nay đang gặp rối loạn – cụ thể ở đây là tuyển sinh theo phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kết quả thi đánh giá tư duy.
Chưa kể, có nhiều thí sinh học giỏi nhưng không được cộng điểm ưu tiên, còn có những thí sinh lại có điểm ưu tiên lên đến trên 2,5 điểm thì chuyện thủ khoa vẫn trượt đại học sẽ không chỉ dừng lại ở Đại học Bách khoa Hà Nội.
Hơn nữa, điều này còn cho thấy sự bất cập của kì thi "hai trong một" – vừa xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông vừa xét tuyển vào đại học như hiện nay. Nếu trường đại học tổ chức một kì thi thì không bao giờ xảy ra chuyện tréo ngoe đó là thủ khoa vẫn trượt đại học.