Thủ đô Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động vui Trung thu đặc sắc

16:28 - 19/09/2023

Dịp Trung thu năm nay, du khách và người dân Hà Nội, đặc biệt là các em nhỏ sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động tương tác, vui chơi bổ ích, thú vị, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống.

Không gian trưng bày và tương tác “Trở về Trung thu xưa” tại khu Phố cổ Hà Nội

Nhân dịp Trung thu 2023, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội (Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm) phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước), các cơ quan, tổ chức, nghệ nhân, thợ thủ công tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, tương tác tại các điểm di tích trong khu Phố cổ Hà Nội và không gian bích họa phố Phùng Hưng.

Nhiều hoạt động Trung thu đặc sắc tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1.

Chuỗi hoạt động nhằm mục đích bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đem đến cho trẻ em một không gian vui chơi bổ ích nhân dịp tết Trung thu, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, 

Cụ thể, từ ngày 22 đến 29/9, không gian trưng bày tư liệu với chủ đề “Trở về Trung thu xưa” sẽ diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ. Tại đây, gần 80 tài liệu, tư liệu, hình ảnh về những nghi lễ tết Trung thu chốn Hoàng cung xưa với các gian hàng rực rỡ của phố Hàng Gai cũng như các món đồ chơi tinh xảo sẽ được giới thiệu tới người dân Thủ đô và du khách.

Cùng với trưng bày, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình người Hà Nội, không gian trang trí, giới thiệu đèn Trung thu cổ truyền do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình phục dựng.

Nhiều hoạt động Trung thu đặc sắc tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh 2.

Tết Trung thu năm 1926. Ảnh: Ban Tổ chức

Cùng với trưng bày “Trở về Trung thu xưa”, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa chơi tết Trung thu Phố cổ tại nhiều điểm di tích lịch sử, trung tâm giao lưu văn hóa.

Cụ thể, tại Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây giới thiệu không gian đón Tết Trung thu của gia đình người Hà Nội xưa, không gian trưng bày đèn Trung thu cổ truyền do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình phục dựng.

Tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật - 22 Hàng Buồm có biểu diễn Rối cạn vào ngày tối 29/9; đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào tổ chức không gian sắp đặt Tết Trung thu, giới thiệu, hướng dẫn cách làm đồ chơi Trung thu…

Tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng có tổ chức các gian hàng giới thiệu về đồ chơi Trung thu, hướng dẫn cách làm cũng như không gian tái hiện trò chơi dân gian ngày Tết Trung thu truyền thống. 

Đặc biệt, vào các khung giờ cố định sẽ có biểu diễn múa rối cạn, trình diễn thời trang và biểu diễn âm nhạc thiếu nhi…

Chương trình chi tiết:

Nhiều hoạt động Trung thu đặc sắc tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh 3.

Chuỗi sự kiện tương tác, trải nghiệm giáo dục di sản “Ký ức mùa trăng” 

Từ ngày 23/9 đến 1/10/2023, tại khu vực Hồ Văn (di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) sẽ diễn ra sự kiện “Ký ức mùa trăng 2023” với chủ đề “Lý Ngư vọng Nguyệt”.

Đây là hoạt động do Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với các đơn vị tổ chức nhân dịp Tết Trung thu năm 2023. Chuỗi hoạt động sẽ có các sự kiện trải nghiệm “Cá chép vượt vũ môn”; không gian văn hóa đọc và học; chuỗi hoạt động tương tác trải nghiệm giáo dục di sản; không gian giao lưu ảnh với chủ đề: “Tôi yêu Hồ Văn”…

Nhiều hoạt động Trung thu đặc sắc tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh 4.

Các em nhỏ trải nghiệm tại không gian Hồ Văn. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội

Nổi bật nhất trong chuỗi hoạt động là trải nghiệm “Cá chép vượt vũ môn” với nhiều hoạt động tranh tài, mỗi người thắng cuộc sẽ là những “cá chép vượt vũ môn” trên con đường học vấn và sự nghiệp, để thong dong tự tại như “lý ngư vọng nguyệt”.

Tiếp theo là hoạt động “thắp sáng ước mơ tri thức”. Với hoạt động này, các thành viên trong nhóm, gia đình, cùng nhau vượt qua các thử thách như “nhanh mắt nhanh tay”, “khéo tay hay làm”, “thăng bằng trên cầu khỉ”… để cùng nhau treo được những chiếc đèn lồng trung thu. Qua các hoạt động cùng nhau, từng thành viên sẽ có thêm sự gắn bó, cùng nhau trải nghiệm vượt qua các rào cản, như “cá chép vượt vũ môn”.

Nhiều hoạt động Trung thu đặc sắc tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh 5.

Các em nhỏ trải nghiệm làm đèn Trung thu. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức sẽ tổ chức giao lưu ảnh với chủ đề “Tôi yêu Hồ Văn”. Trong không gian văn hóa Việt Nam dựng lại nhiều tích xưa và các góc chụp hình xanh mướt với hệ thống cây xanh là dược liệu, cây cỏ Việt Nam, mùa trăng 2023 cùng những ánh đèn lồng lung linh…, các nhiếp ảnh gia tham dự “Tôi yêu Hồ Văn” sẽ chia sẻ những khoảnh khắc, những xúc chạm chân thật nhất khi bạn trải nghiệm các không gian văn hóa nơi đây.

Ngoài ra, chuỗi sự kiện còn có Hội sách khởi động các hoạt động của không gian văn hóa đọc và học tại Hồ Văn với thông điệp “nhân tri thức , tích tinh hoa”.

Nhiều hoạt động Trung thu đặc sắc tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh 6.

Hoạt động nặn tò he. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội

Cùng với đó là chuỗi hoạt động tương tác trải nghiệm giáo dục di sản chủ đề trung thu dành cho đối tượng mầm non, học sinh đã triển khai trong nhiều năm qua như làm bánh trung thu, làm đèn ông sao, nặn tò he…

Theo Ban Tổ chức, với các hoạt động vui đón trung thu, các em nhỏ và du khách cùng nhau tương tác, kết nối gia tăng tình thân của các thành trong gia đình, trẻ em có cơ hội chạm vào các loại hình nghệ thuật hội họa (tô vẽ mặt nạ), tạo hình dân gian (tò he). Qua đó, góp phần đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản của Thủ đô, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống.

“Đón Trăng thu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 

Vào 9 giờ sáng Chủ nhật ngày 24/9, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình Trung thu cho bé “Đón Trăng thu” với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật nhằm tạo ra sân chơi, khơi gợi trí sáng tạo của các em nhỏ.

Nhiều hoạt động Trung thu đặc sắc tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh 7.

Chương trình được tổ chức tại Sân vườn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), dành cho các em nhỏ từ 5 tuổi trở lên cùng gia đình. Chương trình gồm 3 nội dung: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật “Vẽ trăng rằm”; Trò chơi dân gian “Bịt mắt đánh trống”; Trải nghiệm “Hương cốm”.

Chương trình "Vui Tết Trung thu" tại Hoàng thành Thăng Long

Nhân dịp Trung thu 2023, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình “Vui Tết Trung thu 2023” với chủ đề “Đèn thu lung linh” từ nay đến ngày 24/9 tại Hoàng thành Thăng Long, góp phần tạo ra một sân chơi để thiếu nhi và du khách có những trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử văn hóa, Tết Trung thu.

Chương trình bao gồm nhiều hoạt động bổ ích và lý thú như: Tham quan không gian trưng bày các loại đèn Trung thu cổ truyền (như đèn cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng, đèn cua sống, đèn cua chín, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm, đèn quả đào, quả lựu, đèn trống) dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ xưa.

Nhiều hoạt động Trung thu đặc sắc tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh 8.

Bên cạnh đó, chương trình năm nay tiếp tục duy trì các gian hàng bày đồ chơi Trung thu truyền thống như: ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch, trống bỏi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông... Thời gian trưng bày bắt đầu từ ngày 15/9.

Ngoài ra, còn có các hoạt động trải nghiệm tương tác bổ ích cho các em nhỏ như làm đèn Trung thu (đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù), làm bánh Trung thu, tô vẽ mặt nạ giấy bồi, diều giấy và biểu diễn nghệ thuật múa sư tử đặc sắc. Thời gian trải nghiệm, tương tác từ ngày 16-24/9 tại khu vực Nhà N31. Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa sư tử vào các khung giờ: 10 giờ; 11 giờ; 15 giờ; 16 giờ các ngày 23, 24/9.

Hà Nội phân luồng giao thông phục vụ Lễ hội Trung thu phố cổ

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo tổ chức giao thông (cấm đường, phân luồng, bố trí điểm giao thông tĩnh) phục vụ Lễ hội Trung thu phố cổ năm 2023 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong thời gian từ 7-22 giờ hàng ngày từ nay đến 29/9.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ cấm các phương tiện giao thông không đi vào các đường, phố Hàng Mã (đoạn từ Hàng Cót - Hàng Gà đến ngã tư Hàng Đường - Đồng Xuân), Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Chai, Hàng Khoai (đoạn từ ngã tư Đồng Xuân - Hàng Giấy đến ngã ba Hàng Khoai - Hàng Lược) và phố Phùng Hưng (từ ngã ba Lê Văn Linh - Phùng Hưng đến Hàng Cót - Phùng Hưng.

Về phương án phân luồng, các phương tiện giao thông đi từ phía Đông sang phía Tây và ngược lại theo các đường phố Phan Đình Phùng, Hàng Đậu, Lò Rèn, Hàng Cá, Ngõ Gạch, Hàng Vải, Lãn Ông.

Các phương tiện giao thông đi từ phía Bắc sang phía Nam và ngược lại theo các đường Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải.

Các phương tiện giao thông (xe máy, xe đạp điện, xe đạp) của các hộ dân trong khu vực cấm đường để phục vụ tổ chức lễ hội Trung thu phố cổ được phép đi ra, vào và có vé (tích kê) của Ban quản lý lễ hội để quản lý, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn giao thông khu vực.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-do-ha-noi-to-chuc-nhieu-hoat-dong-vui-trung-thu-dac-sac-179230919160942492.htm