Vẽ Chuyến tàu Xuân

Lần đầu tiên, hành khách đi tàu hoả được trải nghiệm chuyến tàu đặc biệt chạy xuyên giao thừa Ất Tỵ. Những toa tàu được trang trí trên "Chuyến tàu Xuân" này sẽ do các hoạ sĩ Hà thành thiết kế, sáng tạo.

Vẽ Chuyến tàu Xuân...
Những ngày cuối năm, Hà Nội lạnh khô, đất trời chỉ đợi một cơn mưa, nhưng thời tiết này lại rất lý tưởng cho những người tô vẽ ngoài trời. Những nét cọ, vệt sơn đầy màu sắc cứ phết lên một cách điệu nghệ trên những thân tàu, cửa sổ, hành lang, không gian bên trong toa xe. Cọ đi tới đâu, khô mau tới đó, màu sắc tươi rói, rực rỡ như một vườn hoa.
Khoác áo mùa Xuân cho những chuyến tàu.
Người vẽ lên những bức hoạ, những toa tàu rực rỡ sắc màu lung linh nét Xuân ấy là những hoạ sĩ lấm lem màu vẽ không khác gì... lội ruộng. Đầu tóc họ trắng xóa từ bụi khói đến sơn dầu. Cả người, cả cọ "bò ra", quần quật tô vẽ, cắt dán, hàn xì... Đầu không mũ, chân đi đất, có lúc bò ra như tẩm quất, có lúc lại đu ngược lên toa xe nhìn phát sợ.
Khi nghe nói về một chuyến tàu đầy hình ảnh được trang trí rực rỡ trong những toa tàu đặc biệt, tôi tò mò không biết ai là những người đứng sau những bức hoạ đẹp và rực rỡ đến thế? Sau khi được "mục sở thị", tôi mới biết đây chính là tác phẩm của nhóm những hoạ sĩ của Câu lạc bộ Hoa Vi Art, Hà Nội.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp Tết, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm của hành khách, vào chính đêm giao thừa Tết Ất Tỵ năm 2025 (tức đêm 29 tháng Chạp), ngành Đường sắt sẽ bó trí tổ chức 2 đoàn tàu mang tên "Chuyến tàu Xuân" có hành trình từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Tàu SE1 xuất phát tại Ga Hà Nội vào lúc 22 giờ 10 phút ngày 28/1/2025 và tàu SE4 xuất phát tại Ga Sài Gòn lúc 19 giờ 30 phút ngày 28/1/2025.
Giao thừa đặc biệt dành cho những người phải đi xa
Đứng ở sân sau của xí nghiệp toa xe Hà Nội, tôi thấy nhóm các họa sĩ khác đang "lăn lộn" tô vẽ... Khung cảnh hứng khởi như một công xưởng của hy vọng, của sự chờ đợi mùa Xuân an lành sẽ đến và hiện dần lên trên những hình hoạ. Hình ảnh "bếp núc" thật đáng yêu của các hoạ sĩ Hà Nội đang chuẩn bị cho một chuyến tàu đặc biệt: Chuyến tàu giao thừa.
Để hoàn thành khối lượng công việc là hai thân toa xe được trang hoàng lộng lẫy đầy sắc Xuân, hoạ sĩ Trương Trọng Quyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Vi Art cho biết: "Anh em trong câu lạc bộ phải làm không kể ngày đêm, cứ chờ sơn khô là làm tiếp. Vừa làm vừa sáng tạo. Chúng tôi gửi vào đây nhiều tình cảm của anh em hoạ sĩ khi biết mình đang chung tay góp "cỗ" cho đêm giao thừa đặc biệt dành cho những người phải đi xa Tết này".
Từ phải qua trái: Nhóm hoạ sĩ/nghệ nhân vẽ chuyến tàu: Trương Trọng Quyền; Trương Vũ Trung; Trần Đức Hùng và Trương Cảnh Thi. Ảnh: BTC
Những năm gần đây, xu hướng dịch chuyển, du lịch trong dịp Tết ngày càng phổ biến. Thay vì ở nhà cùng nhau đón Tết, nhiều gia đình đã lựa chọn đón Tết theo một cách riêng là cùng nhau đi du lịch và trải nghiệm nhiều điều thú vị trong những ngày đầu năm mới. Vì vậy, ý tưởng tạo ra những toa tàu cộng đồng là món quà bí mật cho nhiều người dân đón Tết ngay chính lúc đang di chuyển ở thời khắc giao thừa sẽ là một ý tưởng đặc biệt và đầy tính sáng tạo.
Ý tưởng đó đã được ngành Đường sắt tổ chức thực hiện đầy quyết tâm thành sự thật. Trên tàu SE1 và SE4, ngành Đường sắt bố trí 2 toa xe cộng đồng (mỗi tàu 1 toa cộng đồng) được thiết kế riêng, độc đáo với bên ngoài được vẽ những tác phẩm hội hoạ liên quan đến các hoạt động văn hóa dân gian ngày Tết như chợ hoa, viết thư pháp… Nội thất toa xe được thiết kế biểu tượng hoa đào và hoa mai tượng trưng cho Tết của hai miền Nam – Bắc để hành khách có thể thưỡng lãm, chụp ảnh "check in" ngay trên toa tàu.



Họa sĩ Trần Đức Hùng và công tác chuẩn bị cho những toa tàu đặc biệt. Ảnh: BTC
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghé thăm công xưởng làm việc của các hoạ sĩ được các hoạ sĩ vẽ tặng bức chân dung ký hoạ.
Toa tàu cộng đồng diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa trong suốt hành trình đêm giao thừa
Hành khách có vé tàu đi trên "Chuyến tàu Xuân" được tham gia nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn trên suốt hành trình như: Vào thời khắc giao thừa, hành khách sẽ hòa vào không khí lễ hội với chương trình đếm ngược (count down) cùng tiệc ngọt trên tàu, tham gia bốc thăm trúng thưởng với nhiều quà tặng hấp dẫn từ ngành Đường sắt và các nhà tài trợ; tham gia các trò chơi dân gian; thưởng thức các món ăn đặc trưng ngày Tết.
Bên trong toa tàu, các hạng mục được lắp ghép và sắp xếp như một triển lãm nghệ thuật. Ảnh: BTC
Đặc biệt, hành khách sẽ có cơ hội được tham gia trại sáng tác "di động" trên tàu cùng các hoạ sĩ khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam, có cơ hội nhận được các bức vẽ chân dung, tham gia nặn đất, vẽ tranh cùng các hoạ sĩ trong ngày đầu năm mới. Trước khi lên tàu, hành khách có thể tham quan triển lãm của nhóm 40 hoạ sĩ Việt Nam tại tầng 2 Ga Hà Nội; tham gia vẽ tranh (workshop) tại ga Sài Gòn vào ngày mùng 2 Tết.
"Chuyến tàu Xuân" là một sản phẩm du lịch mới lần đầu ra mắt trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn đối với hành khách trong nước và du khách quốc tế trong những ngày đầu năm mới.
Khi ánh đèn thành phố bắt đầu lung linh phản chiếu trên những ô cửa kính toa tàu, cả không gian bỗng chốc hóa thành một bức tranh sống động. Những nét vẽ rực rỡ, tươi mới ôm lấy từng khoang tàu, biến chuyến hành trình đêm giao thừa thành một trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt.
Mỗi đường nét như kể câu chuyện của mùa Xuân, của hy vọng và sự khởi đầu mới, cùng tiếng cười vang lên từ những hành khách đang hòa mình trong khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới.
Hoạ sĩ Trương Trọng Quyền và bức Họa thân tàu còn ẩm nước sơn mới. Ảnh: BTC
Không còn là chuyến tàu bình thường, đây là một không gian độc đáo, nơi nghệ thuật hòa quyện với nhịp sống. Trên từng toa tàu, hình ảnh những cánh hoa mai, hoa đào nở rộ, những con giáp mang dáng vẻ tươi vui, hay những biểu tượng văn hóa truyền thống được tái hiện bằng những gam màu tươi sáng.
Thổi hồn cho Chuyến tàu giao thừa - công trình đầy sáng tạo và ngẫu hứng
Nhìn từ xa, những toa tàu được trang trí lộng lẫy và rực rỡ như sắc Tết - hương Xuân của cả hai miền Nam Bắc. Chuyến tàu ấy, sẽ mang theo ước nguyện của biết bao hành khách, tất cả sẽ cùng tụ lại để chào đón thời khắc giao thừa trên tàu.


Những thân toa đang được trang trí với những hình ảnh Tết cổ truyền đầy vui nhộn. Ảnh: BTC
Ngắm những tác phẩm nghệ thuật được trang trí cho chuyến tàu nửa đêm đặc biệt này, tôi không khỏi thán phục tài năng và tâm huyết của những họa sĩ và cộng sự đã tạo ra một công trình xinh đẹp và ý nghĩa như vậy.
Có lẽ, người có mặt trên chuyến tàu đêm giao thừa sẽ rất xúc động. Hành khách trên tàu ngồi bên nhau, hân hoan trong lời chúc mừng năm mới, cùng mở một chai champagne và lắng nghe giai điệu ngọt ngào của bài hát "Happy New Year", để thời gian trôi và thời gian và không gian cứ thế lướt qua. Đó sẽ là một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời. Không còn sự xa cách, không còn khoảng cách lạ lẫm, chỉ còn lại sự gắn kết giữa những con người từ mọi miền trên hành trình đặc biệt này.
Một toa xe rực rỡ và đặc biệt được hoàn thành bởi bàn tay tài hoa của những Họa sĩ Hà Thành. Ảnh: BTC
Cũng thật may mắn với tôi, khi tôi có mặt ở tại "công trường" của các họa sĩ, nhìn ngắm các anh say sưa làm việc và tôi được nghe các anh kể những điều thú vị khi sáng tạo trang trí những toa tàu.
Hoạ sĩ Trương Trung chia sẻ: "Mỗi đường nét chúng tôi làm là để kể một câu chuyện của mùa Xuân, của hy vọng và sự khởi đầu mới. Hy vọng, nghệ thuật sẽ kết nối những tâm hồn để mỗi hành khách có thể tạm quên những mệt nhọc, hòa mình vào khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới".
Những ngày cuối năm ai cũng bận rộn, nhà nhà vui đón Tết, người người mua bán tấp nập đón Xuân, những hoạ sĩ vẫn miệt mài lao động, khuôn mặt mỉm cười, ánh mắt như gửi gắm ký ức của chính mình và những bức họa thân tàu.
Họa sĩ Trương Trọng Quyền và những chiếc đèn lồng "hand made" làm đạo cụ trang trí tàu SE.
Có thể, công trình sẽ không được nhiều người chiêm ngắm bởi lúc nó "trình làng" lại chính là lúc mọi người đang ở những nơi ấm áp và đoàn viên. Nhưng, với những người buộc phải đón giao thừa trên những chuyến tàu, những toa xe "cộng đồng" được trình bày như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt xinh đẹp sẽ là món quà ý nghĩa dành tặng cho mỗi hành khách trong năm mới.
"Chúng tôi muốn mang đến cho mỗi người cảm giác ấm áp, tươi vui như ở trong chính gia đình của mình. Người miền Nam cũng sẽ cảm nhận được ý nghĩa qua sắc màu tươi sáng của mai vàng, còn người miền Bắc cũng dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp ấm nóng của hoa đào. Mọi người sẽ được tiếp thêm năng lượng để bước qua mọi mệt nhọc của năm cũ và đón nhận một năm mới tràn đầy năng lượng tích cực và tươi vui." - Hoạ sĩ Trương Trọng Quyền chia sẻ.
Có thể nói, không chỉ lao động miệt mài, những họa sĩ còn không quản nắng, mưa, khói, bụi trong những ngày giáp Tết, đã hoàn thành một chuyến tàu với 2 toa xe nghệ thuật.
Họ đã biến những con tàu không còn là một phương tiện di chuyển, mà còn là một biểu tượng của sự chuyển mình, sự đổi mới và niềm hy vọng, cùng niềm ấm áp và đoàn viên.
Một góc tàu SE - sẽ đón hành trình "xuyên" Tết.
Mỗi nét vẽ trên thân tàu, là một niềm gửi gắm của các nghệ sĩ những thông điệp về niềm tin, tương lai tươi sáng. Những bông hoa bung nở như lời chúc cho một năm mới tràn đầy may mắn, những mảng màu rực rỡ nhắc nhở về niềm vui và sự lạc quan. Đó là một sự hòa quyện hoàn hảo giữa văn hóa, nghệ thuật và đời sống.
Mỗi hành khách trên chuyến tàu du Xuân sẽ trở thành một phần đặc biệt của hành trình. Năm mới chính là cơ hội để ta vẽ tiếp bức tranh của đời mình...
Những chuyến tàu đong đầy kỷ niệm: Đón Xuân này để nhớ Tết Hà Nội xưa…
Mỗi lần đi tàu, mà là đi vào những ngày cận Tết đều mang lại cho người ta những cảm xúc khó diễn tả. Đón Xuân này để nhớ Tết xưa, Hà Nội cổ kính và thanh bình, chỉ có Ga Hàng Cỏ - điểm đến và đi của biết bao người là luôn bận rộn. Những ngày Tết lại càng hối hả và tất bật. Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng đối với mỗi người con xa nhà dường như tái hiện lại trên những bức vẽ sống động.
Trong tâm trí của những người nơi xa được về Hà Nội ngày trước Tết lại càng háo hức.
Nhớ nhất ở Tết Hà Nội xưa là sắc đào Nhật Tân, tiếng pháo giao thừa và hương trầm thơm dìu dặt trong từng con phố cổ. Nhớ tiếng rao "ai mua mùi già nấu nước tắm" chiều ba mươi. Nhớ con gà có bông hoa nhỏ cắm ở mỏ chuẩn bị mâm cỗ cúng, trẻ con đụng vào thì thôi lại phải nhớ để chỗ cao cao. Nhớ cảnh quây quần gia đình ba thế hệ ông bà, bố mẹ và con cái gói bánh chưng, cái bánh nhỏ nhất thì vớt ra cho đứa gói, nhớ gió mùa se lạnh tràn về, co ro trong đêm giao thừa…
Tất cả những kỷ niệm đó đều được tái hiện trong chuyến tàu qua từng nét vẽ.
Vì sao có tên gọi Ga Hàng Cỏ Hà Nội?
Theo thông tin ghi chép, Ga Hà Nội có tên cũ là Ga Hàng Cỏ. Được xây dựng vào thời Paul Doumer nhậm chức toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902), ngày 16/6/1898, Paul Doumer đồng ý vị trí xây dựng ga ở cuối đường Mandarine (đường Lê Duẩn ngày nay và phố Gambetta (hiện nay là Phố Trần Hưng Đạo), trong đó có một phần là trường đua ngựa (hiện nay là Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô) và thôn Tứ Mỹ. Nhà ga được khởi công xây dựng vào năm 1899, khánh thành năm 1902, có tên gọi là ga Trung tâm Hà Nội (tên gọi thông dụng là Ga Hàng Cỏ).
Sở dĩ có tên gọi Hàng Cỏ là cách gọi phổ biến cho các công trình dân sinh được xây từ thời Pháp thuộc. Hàng Cỏ là tên của một ngõ phố nằm trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Đây nguyên là mảnh đất dùng để làm chợ cỏ. Cỏ từ các nơi tập kết về thành những đụn, những đống thơm ngan ngát. Cỏ tràn ngập phố. Cỏ chạy từ những triền đê sông Hồng vào cấp cho lính ngự vệ trong kinh thành về nuôi ngựa, nuôi voi.
Cái tên ga Hàng Cỏ cũng được hình thành từ lẽ đó. Nhiều người Hà Nội thế hệ cũ quen gọi như vậy giống như đã gọi các tên địa danh khác như: chợ Giời, chợ Đuổi, chợ Âm phủ, Hàng Hòm…
Nhà Ga Hàng Cỏ giữ nguyên hình hài đậm phong cách châu Âu như thế đến tận cuối năm 1972 với thiết kế và xây dựng theo phong cách Gotic với những mái tháp hình trụ trổ ra những cửa sổ sát mái. Hai tầng tháp cân đối, hài hoà. Nhưng sau thời chiến tranh chống Mỹ, ga bị sập sảnh chính và được xây dựng lại với kiểu kiến trúc khác xưa.
Sách cũ ghi lại, những nhà xây dựng thời Pháp đã thiết kế đường sắt để trở thành "động lực tạo ra sự thịnh vượng thông qua những lợi thế mà nó đem lại bằng việc vận chuyển những tác nhân tạo nên sự thịnh vượng ấy."
Ga Hàng Cỏ cũng được ra đời vì lẽ đó, hơn 1.700 km đường sắt dọc trục Bắc-Nam đã tồn tại cho tới ngày nay để đưa bước bao thế hệ, bao thời gian, bao sự đổi mới…
Lịch sử ghi lại, tuyến đường sắt Bắc - Nam (hay còn gọi là đường sắt Thống Nhất) được xây dựng vào thời Pháp thuộc (năm 1936). Khi hơn 1.700 km đường sắt được người Pháp xây dựng, rồi bị chiến tranh tàn phá xót xa biết bao, thì sau đó những nỗ lực của người dân Việt Nam, những chuyến tàu Thống Nhất cũng đã được Chính quyền ta khôi phục nối liền hai miền Nam – Bắc. Với sức chuyên chở và sự kỳ diệu của di chuyển đã thay đổi biết bao cuộc đời.
Theo ghi chép của Hà Nội, nhận thấy nhu cầu giao thương giữa hai miền nên ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Chính phủ đã khẩn trương bắt tay vào việc tái thiết tuyến đường sắt Thống Nhất nối liền Thủ đô Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến ngày 31/12/1976, sau hơn một năm lao động miệt mài, việc khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam dài hơn 1.700km đã được hoàn thành. Đó cũng là ngày hai đoàn tàu Thống Nhất chuyển bánh, khai thông tuyến đường sắt huyết mạch nối liền hai miền.


Một góc đường Lê Duẩn trước Ga Hàng Cỏ những năm 90 và bên trong đại sảnh Ga Hà Nội trước năm 1927.
(Ảnh tư liệu: sưu tầm)
Tìm đọc lại lịch sử hào hùng, ta càng biết ơn những người đã hy sinh xây dựng và bảo vệ những công trình lịch sử, để những chuyến tàu cứ thế nối liền đất nước và hiện thực hóa những ước mơ, những sự hội ngộ và những công việc được hoàn tất.
Hà Nội nay đã khác nhiều, những chuyến tàu vừa chở ta về ký ức, nay lại quay ngược về với phố phường rực rỡ đèn hoa, dòng người hối hả mua sắm, nhưng vẫn có những góc nhỏ giữ trọn hồn Tết xưa: chợ hoa Hàng Lược, mâm cỗ truyền thống hay lời chúc đầu năm bên ấm trà sen thơm. Dù thời gian đổi thay, Hà Nội vẫn luôn đón xuân bằng tình yêu, sự sum vầy và niềm thương nhớ những ngày Tết xưa.
Chuyến tàu Xuân sẽ mang theo những niềm vui đoàn viên ngay trên toa tàu hạnh phúc ấy. Trong khoang, tiếng cười nói sẽ rộn ràng, những bạn trẻ sẽ chọn góc "chill chill", người hoài cổ ngồi nâng chén trà, các chú, các anh kề nhau lúi húi góc bàn cờ tướng… các nhân viên nhà tàu cũng bận rộn hơn ngày thường, nhưng ai nấy đều nở nụ cười, chúc hành khách một năm mới bình an.
Ngoài cửa sổ, pháo hoa tự bắn các mái nhà hai bên đường rộn rã: 'Đã giao thừa rồi!', còn bánh xe vẫn lăn đều trên đường ray đưa chuyến tàu lao đi vun vút. Những ô cửa, tòa nhà Hà Nội lùi xa dần, chỉ còn lại niềm mong nhớ, một chút lâng lâng, nhưng bao trùm tất cả là hạnh phúc mong chờ ngày đoàn viên, tái ngộ.
Công trình "toa xe cộng đồng" là lời chào ý nghĩa gửi đến những ai khao khát có một Tết trọn vẹn. Chuyến tàu cũng là món quà dành cho những ai xa quê, những người lao động đang mong mỏi được đoàn tụ.
Từ những người xa lạ, những hành khách sẽ được quây quần bên nhau trên toa tàu, chia sẻ những câu chuyện đầu năm và chúc cho nhau những lời chúc thân ái, hạnh phúc. Chỉ vậy thôi đã khiến hành trình này trở nên ấm áp hơn bao giờ hết.
Các họa sĩ Hà Nội sáng tác trên chuyến tàu Xuân. Nguồn: Hoạ sĩ Phan Bạch
Clip hành khách rất vui đi chuyến tàu đặc biệt với những nét vẽ mùa Xuân.
Họa sĩ đã mang tới một thông điệp ý nghĩa cho cuộc sống. Năm mới đến, chính họ đã mang lại niềm hy vọng cho mọi người. Mỗi hành khách trên chuyến tàu đặc biệt này sẽ viết tiếp những bức tranh cuộc đời tươi sáng trong năm mới 2025.
Chuyến tàu Xuân đã đạt được một hành trình ý nghĩa bắt đầu từ không gian cổ xưa và đầy cảm xúc của nhưng ngày cuối năm trên đất Hà Thành.
Và dịp Tết Ất Tỵ, gần 1.000 người đã lựa chọn trải nghiệm "chuyến tàu Xuân". Đây cũng là niềm hân hạnh của 6.032 cán bộ, công nhân viên và người lao động ngành Đường sắt đã phục vụ hành khách trong tối cuối cùng của năm cũ.
Có nhiều người còn chưa quen với việc đón giao thừa ở một nơi xa, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành Đường sắt, với tâm huyết phục vụ của các cán bộ, nhân viên phục vụ trên tàu, các hành khách đều cảm nhận được sự ấm áp và xúc động khi được trải nghiệm hành trình đón Xuân trên các chuyến tàu.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thoi-hon-cho-chuyen-tau-giao-thua-179250121204825076.htm