Thị trường bất động sản 2023 còn có thể đón sóng?
Ngày 8/2, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Khó khăn vẫn còn quá nhiều. Để tìm các giải pháp phục hồi thị trường bất động sản, các doanh nghiệp vẫn chưa thể tìm được "cửa sáng" để hồi phục và có thể đón những con sóng lớn trong năm 2023.
Ngày 8/2, Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, tham dự có đại diện Bộ Xây dựng, các ngân hàng, cùng 20 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất.
Trước đó, hồi tháng 11, dưới sự chủ trì của Chính phủ, các bộ, ngành và đại diện các doanh nghiệp cũng đã có buổi họp quan trọng để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập riêng tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để có được lời giải cho những đề xuất của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý vẫn phải còn xem xét và cân nhắc.
Trước mắt, để thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các dự án khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Ngân hàng Nhà nước không làm "khó dễ" doanh nghiệp
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, cho tới nay chưa có một chính sách nào từ Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt tín dụng bất động sản, như vậy, những khó khăn mà các doanh nghiệp đang mắc phải về vấn đề vốn phải được xem xét từ nhiều phía. Trong đó, có những "thế lực" với mong muốn trục lợi, thổi giá, đầu cơ bất động sản, tạo ra một thị trường "bong bóng" vẫn tồn tại.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, trong công tác quản lý có chăng chỉ là kiểm soát những rủi ro như đầu cơ, thị trường bong bóng, đóng băng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới hệ thống...
Đương nhiên, những vấn đề này cần được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ, vì những hệ lụy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền tài chính, tiền tệ quốc gia. Việc thiếu kiểm soát sẽ gây ra những rủi ro rất cao đối với các tổ chức tín dụng là các đối tượng trực tiếp giải ngân các nguồn tiền cho vay với thị trường bất động sản. Đặc biệt, nguồn vốn đối với thị trường này là rất lớn, thời gian cho vay lại khá dài, có thể lên tới 15-20 năm hoặc hơn nữa. Việc này, sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sự an toàn tài chính quốc gia.
Mặt khác, những thành phần doanh nghiệp có tín hiệu thổi giá, trục lợi, cần phải được loại bỏ để làm lành mạnh hóa thị trường. Như vậy, về phía nội tại các doanh nghiệp bất động sản cũng cần xem xét lại, không chỉ "kêu khó, kêu khổ" mà cũng cần thẳng thắn nhìn lại những mục tiêu quá "tham vọng" của mình.
Khó khăn đến từ đâu?
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thanh khoản, dòng tiền, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản... Cơ hội thì ít, thách thức thì nhiều.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 với các địa phương, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cùng với đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp bất động sản, khó khăn lớn nhất là việc tiếp cận nguồn vốn.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thị trường trái phiếu không còn phát triển thuận lợi như thời gian trước đây. Từ đó, việc giải ngân vốn thông qua hoạt động của thị trường trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt trong thời gian từ cuối năm 2022 tới thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, việc tỉ giá, lãi suất điều hành được đẩy lên mức cao, liên tục khiến các doanh nghiệp không dám "mạnh dạn" giải ngân đầu tư thêm, bởi rủi ro lãi suất quá cao sẽ khiến các khoản chi phí từ nguyên vật liệu, tới các chi phí phát sinh khác bị đẩy lên quá mức, khiến tâm lý các nhà đầu tư e ngại.
Bên cạnh đó, lãi suất cao cũng là một lực cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong quá trình "gọi vốn" của mình đối với các nhà đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp đang hoàn toàn không thuận lợi, khi các đối tượng này đang ở tâm thế nghe ngóng và chờ đợi nhưng tín hiệu mới từ phía các chính sách vĩ mô, những tín hiệu tích cực hơn trong thời gian tới.
Các biện pháp điều hành vĩ mô
Ngay trong những ngày đầu năm 2023, đối với thị trường trái phiếu, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính được yêu cầu sớm hoàn thiện Nghị định sửa đổi về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10/2/2023.
Các hành động trên đều có thể bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư để thị trường trái phiếu có thể hoạt động tốt trở lại.
Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng phải được điều hành hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03 ngày 27/1/2023.
Cũng liên quan đến bất động sản, Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Có thể nói, Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và các Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung chỉ đều là các bước đệm để có những chính sách cụ thể hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Tổ công tác Chính phủ về bất động sản cũng đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo để đề xuất các giải pháp tổng thể.
Tuy nhiên, để có thể sớm phục hồi, thị trường bất động sản trong nước cần một "cú hích" lớn. Cú hích đó phải đến từ chính sách điều hành, cũng như nội tại các doanh nghiệp phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Vì còn rất nhiều khó khăn, nên cần xem xét kỹ lưỡng nhưng cũng cần dứt khoát hơn trong thay đổi.
17 kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản tại Hội nghị:
- Làm rõ, bổ sung quy định về mục đích vay vốn;
- Quy định về giải ngân;
- Về kiểm soát bất động sản theo mục đích;
- Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ;
- Xem xét hệ số rủi ro, gia hạn thời gian thực hiện quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn;
- Xem xét tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo;
- Có hướng dẫn chính sách về tín dụng đối với phát triển các khu đô thị;
- Tăng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản;
- Tháo gỡ khó khăn về vốn để xây dựng nhà ở xã hội;
- Có chính sách riêng về tín dụng đối với cho bất động sản du lịch;
- Xem xét một số nội dung tại dự thảo Thông tư hướng dẫn vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp tại Thông tư 12/20214/TT-NHNN;
- Cho vay với thời hạn dài hơn thời gian thực hiện dự án;
- Phối hợp với Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trái phiếu doanh nghiệp;
- Miễn, giảm lãi phí;
- Cân nhắc về điều kiện vay vốn (bỏ Giấy phép xây dựng);
- Sửa Thông tư 16/2021/TT-NHNN theo hướng cho TCTD được đầu tư trái phiếu để cơ cấu lại khoản nợ theo tinh thần Nghị định 65/NĐ-BTC;
- Nghiên cứu 01 gói tín dụng cho vay nhà ở tương tự như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực hiện từ năm 2013.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thi-truong-bat-dong-san-2023-con-co-the-don-song-179230209074155389.htm