Thi Quốc gia tốt nghiệp Trung học phổ thông: Nhiều điều cần phải nghiêm túc xém xét lại!
Nhiều người có trách nhiệm, trong đó có nhiều đại biểu Quốc hội, đã nhận ra không ít điều phi lý trong giáo dục, kể cả những phi lí về thi cử, nhưng sao vẫn không giải quyết được vấn đề này qua hàng chục năm.
Suốt từ những năm 60 của thế kỷ XX đến 2 thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông về cơ bản không phản ánh đúng thực lực học tập của học sinh. Chỉ có một điểm khác nhau ở 2 giai đoạn: Ở giai đoạn cuối thế kỷ XX, dù thấy kết quả thi tốt nghiệp có nhiều điểm mà sau này sẽ phải khắc phục, nhưng mọi người đồng thuận với kết quả được công bố vì coi đó là giải pháp tình thế. Ở giai đoạn sau, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông được đẩy lên đến mức độ phi lý, mà một trong những nguyên nhân là "Bệnh thành tích" và "Bệnh phá tiền" (việc chi cho thi cử cứ như "ném tiền Nhà nước qua cửa sổ"). Trong khi đó người dân nghèo đã neo túng lại càng neo túng. Hễ cứ nuôi được con lợn, con trâu hoặc thu hoạch được mấy sào trồng lúa, trồng ngô lại bán sạch để cho con đi thi.
"Bệnh thành tích" và "Bệnh phá tiền" ấy còn tiếp diễn thì dư luận xã hội còn lên án ngành giáo dục. Trong nhiều hội nghị bàn về đổi mới thi cử, tôi lấy làm lạ là không ít vị làm khoa học giáo dục, làm quản lý giáo dục hoặc có chức sắc lãnh đạo lại luôn hùng hồn luận giải sự cần thiết và tầm quan trọng của thi quốc gia tốt nghiệp Trung học phổ thông. Các vị ấy cổ súy cho "thi nghiêm túc" mà không đếm xỉa gì đến nỗi khổ đi thi của con trẻ và sự nỗi khổ về tiền nong của các gia đình nghèo có con đi thi cũng như sự lãng phí ngân sách Nhà nước không hề nhỏ.
Tôi còn nhớ có một nhà báo hỏi một ông phụ huynh người dân tộc H'mông đưa con đi thi. Ông ấy tâm sự với nhà báo: "Năm nay, con trâu nhà tao đã đi thi với thằng con tao rồi". Đọc đoạn này, tôi không khỏi chảy nước mắt, vì: Nếu cháu ấy thi trượt, lại trở về nương rẫy, thì gia đình này không còn trâu để đi cày trên nương!
Tôi vào ngành giáo dục từ thời kỳ cụ Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho đến cuối những năm bà Nguyễn Thị Bình kế nhiệm. Chuyện thi cử hồi cụ Huyên làm Bộ trưởng không có gì đặc biệt. Đến thời bà Bình, bà rất trăn trở tỷ lệ tốt nghiệp thật rất thấp. Nhiều năm, trường khá mà tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng chỉ trên dưới 60%. Ngày ấy, Nhà nước chủ trương cho những học sinh thi trượt được thi lại, với điều kiện các em phải ôn tập trong 3 tháng hè rồi nhà trường tổ chức thi xét vớt. Nhờ kỳ thi sau, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông lên được trên 80%, có năm cao hơn. Các em tập trung ôn tập để thi lại không lo phải chi phí vì nhà trường bố trí các thầy cô làm việc này với tinh thần miễn phí.
Còn nhớ, năm 1967, khi tôi đang ở khu sơ tán thì được thông báo về Hà Nội họp gấp. Thủ tướng Phạm Văn Đồng triệu tập mấy trăm cán bộ giáo dục từ các khu sơ tán về để chấn chỉnh việc học sinh không bảo đảm yêu cầu của Chương trình đào tạo. Cuộc họp tại Hội trường Ba Đình, từ 5h00 đến 6h30 sáng, sau đó, mọi người nhanh chóng rời Hà Nội trước khi máy bay Mỹ hoạt động. Chất lượng học phổ thông đã được báo động từ ngày ấy.
Về những lí do phải xét đặc cách tốt nghiệp Trung học phổ thông được coi là chính đáng bởi nhiều em tốt nghiệp sẽ nhập ngũ theo các đoàn quân Nam tiến đi chống Mỹ cứu nước, nhiều em sẽ tham gia sản xuất như một lao động chính trong gia đình. Ngày ấy, các em cần tấm bằng tốt nghiệp trên tay để ra mặt trận, để trở về gánh vác công việc kháng chiến, cho nên mảnh bằng ấy như một sự động viên các em vào đời. Nhiều người lính ra trận thấy vui vì biết con đã học xong Trung học.
Ngày nay, tình hình đã hoàn toàn khác trước. Hầu hết những người quan tâm đến giáo dục đều lo lắng chất lượng đào tạo trong nhà trường các cấp, mặc dù, học bạ học sinh "đẹp như vẽ", cờ thi đua "đơn vị tiên tiến" không còn chỗ treo tại văn phòng của nhiều trường học, số giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh đếm không xuể.
Về thi tốt nghiệp, nhiều người rất bức xúc. Một thầy hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông, nay đã về hưu, nhắn tin cho bạn: "Phải chăng, thi tốt nghiệp bây giờ khó hơn là thi rớt?". Và ông tâm sự, "trước đây, trường tôi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông chỉ ở ngưỡng 60% - 62%. Trước năm 2010, có lần đỗ 73%, cả trường ăn mừng".
Có một công dân viết: "Giờ đây, xét tốt nghiệp bao gồm điểm thi Trung học phổ thông và điểm trung bình các môn ở học bạ lớp 12 thì kết quả tốt nghiệp tăng mạnh, hơn cả… "bão" giá. Các trường Trung học phổ thông bây giờ chỉ hơn thua đỗ tốt nghiệp 100% hay không. Tôi biết có địa phương tỷ lệ 99%, 100% học sinh tốt nghiệp là căn cứ quan trọng để phân định danh hiệu thi đua. Cũng vì thế mà cuộc đua "làm đẹp học bạ" ngày càng khốc liệt".
Từ năm 2010 đến năm 2022, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông là vô cùng "ấn tượng": 2010: 92,50%; 2011: 95,72%; 2012: 98,97%; 2013: 97,52%; 2014: 99,01%; 2015: 91,58%; 2016: 94,06%; 2017: 97,22%; 2018: 98,36%; 2019: 98,93%; 2020: 99,09%; 2021: 98,60%; 2022: 98,57%.
Bộ Giáo dục – Đào tạo năm nào cũng báo cáo lên Chính phủ là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông luôn được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, an toàn…,và nhiều tỉnh tỷ lệ này là tuyệt vời (tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh hệ Trung học phổ thông năm 2021 là 99,93%; năm 2022: 99,52% Ở Hà Nội thì tỷ lệ tương ứng năm 2022 là 99,10%).
Điều mà nhiều người nghĩ nhiều là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông "ngốn" quá nhiều tiền từ Ngân sách nhà nước và làm cho dân bị thâm hụt lớn các khoản thu nhập vốn đã eo hẹp của họ. Năm 2014, theo một tài liệu, Nhà nước phải chi 400.000đ cho một học sinh đi thi. Tôi tìm nhiều nguồn nhưng tìm không ra số tiền Nhà nước chi cho đầu một học sinh đăng ký thi tốt nghiệp năm 2022 nên tạm quy là 500.000đ/1 học sinh.
Năm 2022, cả nước có 1.001.013 học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, vị chi Nhà nước phải xuất ra khoản tiền là 500.000đ x 1.001.013, nếu theo phép nhân này thì Nhà nước chi cho học sinh khoảng trên 500 tỷ đồng/năm. Còn các khoản chi cho cán bộ, giáo viên, công an tham gia tổ chức, coi thi, bảo đảm an ninh trật tự…,với con số cả chục nghìn người, rồi tiền chi cho việc tổ chức hàng trăm ngàn phòng thi, tiền thù lao chấm thi, tiền cho cả trăm đoàn kiểm tra trước thi và sau thi v.v… có thể lên tới cả ngàn tỷ đồng. Còn dân thì đóng phí dự thi, tiền đi lại, ăn uống, nhà trọ… Tất cả cứ cho là 2000 tỷ đồng, thế thì khoản chi phí chi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thật là quá lớn!
Một người viết: Địa phương phương nọ phải chi trên 600 triệu đồng cho 2000 học sinh đi th; Kết quả là 1999 cháu tốt nghiệp, 1 cháu rớt! Địa phương chi 600 triệu đồng chỉ để phát hiện… 1 học sinh không đạt yêu cầu chất lượng!
Hãy làm một phép toán vui nh nho nhỏ: Năm 2022, Hà Nội có 97.988 học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, đỗ 99,10%, trượt 0,90%. Như vậy có 9 em thi rớt. Cứ giả định Nhà nước chi ra cho đầu học sinh đi thi là 500.000đ/em thì tổng số tiền là khoảng 49 tỷ đồng. Theo tôi, vì chất lượng giáo dục Hà Nội vào loại cao nhất nước, vậy thì cứ "khoán" loại 18 em quá kém không cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình Trung học phổ thông thì ta đã "nghiên túc" và "chặt chẽ" gấp đôi việc tổ chức thi mà Nhà nước đã chi ra gần 50 tỷ đồng, đó là chưa kể các khoản thù lao người coi thi của 4600 phòng thi.
Với 68 năm làm công tác giáo dục, với chút ít hiểu biết về thi cử ngày nay, về những gì người ta đang làm trong thi cử mà tôi không chấp nhận. Nhiều lần phóng viên các báo hỏi tôi trước các kỳ thi Trung học phổ thông. Tôi chỉ nói 1 câu: "Dù có đổi mới thi tốt nghiệp Trung học phổ thông như thế nào chăng nữa thì năm nào cũng tốt nghiệp chí ít là trên 90%, và tỷ lệ đó ngày càng tiến sát 100%". Tôi đã đoán đúng trong cả thập kỷ qua về kết quả thi!
Trên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học hôm nay, tôi phát dẫn lại ý kiến mà tôi đã trình bày trước Hội đồng Quốc gia giáo dục năm 2014 như sau:
1. Đã học thì rất cần có kiểm tra, thi cử, nhưng trong điều kiện ngày nay, nên bỏ kỳ thi quốc gia tốt nghiệp Trung học phổ thông, thay vào đó là giao việc tổ chức thi cho địa phương. Các sở giáo dục sẽ chỉ đạo tổ chức thi tại trường theo một quy chế chặt chẽ (những năm 80 của thế kỷ trước, việc thi tại trường rất nghiêm túc và trật tự).
2. Học sinh tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ đã hoàn thành Chương trình Trung học phổ thông. Chứng chỉ đó là giấy thông hành vào đời, hoặc để kiếm việc làm, hoặc dùng để thi vào đại học hoặc trường nghề.
3. Tách thi tốt nghiệp ra khỏi thi tuyển đại học. Làm như vậy, thi tốt nghiệp sẽ nhẹ nhàng, học sinh yên tâm rằng, nắm vững chương trình phổ thông (tôi nhấn mạnh cụm từ "phổ thông") là có chứng chỉ hoàn thành cấp học. Gắn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với thi tuyển đại học sẽ làm cho kỳ thi trở nên căng thẳng để dành bằng được cái ghế đại học. Nhiều khi, để thắng trong việc chiếm cái ghế đó, nhiều người – kể cả người lớn lẫn học sinh đã dùng mọi thủ đoạn, chủ yếu là mua điểm, mua giám thị coi thi, mua người chấm thi… (những tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…, đã chứng minh điều đó và vẫn còn dư âm đến bây giờ).
4. Nhà nước nên sớm ra quyết định phổ cập giáo dục bậc Trung học. Học xong Trung học phổ thông hoặc học Trung cấp nghề đều bình đẳng trong thi vào đại học. Muốn vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần thống nhất về chương trình 2 ngành học, xác định được mức độ tương đương. Nếu Chương trình học Trung cấp nghề không làm được điều này thì các trường đại học sẽ đặt một rào cản trước các em học nghề muốn vào trường đại học.
5. Phát triển mạnh mẽ và rộng khắp các trường lớp Đại học Mở sẽ làm dịu đi cuộc đua tranh khốc liệt vào đại học. Đại học Mở không chặt chẽ về trình độ đầu vào và mọi rào cản về tài chính, pháp lý, kỹ thuật sẽ được tháo dỡ, những học sinh không đạt trong thi tốt nghiệp Phổ thông trung học cũng như học sinh học nghề có nhiều cơ hội học đại học mở, miễn là có ý chí tiến thủ.
6. Xin cảnh báo rằng, một khi giáo dục trực tuyến phát triển, trường đại học không áp đặt được sân chơi và luật chơi với học sinh học Trung học phổ thông và Trung cấp nghề. Trường đại học lúc đó không thể tùy ý tăng học phí: tăng quá cao thì người có nhiều tiền sẽ chọn các đại học đẳng cấp quốc tế cho con cái họ, người ít tiền sẽ theo các khóa học đại chúng mở do đại học trong nước và ngoài nước tổ chức. Chi phí học tập không cao, việc thực hiện kế hoạch học tập tùy thuộc ý chí của người học.
7. Các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hiện nay quá tốn kém Ngân sách quốc gia, làm cho người nghèo phải khổ hơn do phải vun vén từng đồng cho con đi thi và sau đó cho con học đại học..
Nhiều người có trách nhiệm, trong đó có nhiều đại biểu Quốc hội, đã nhận ra không ít điều phi lý trong giáo dục, kể cả những phi lí về thi cử, nhưng sao vẫn không giải quyết được vấn đề này qua hàng chục năm. Chỉ cần sửa Luật Giáo dục, bỏ cụm từ "Thi quốc gia Trung học phổ thông" bằng "Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông" tại địa phương thì tình hình sẽ xoay 180°.