Thêm một góc nhìn về biện pháp kìm giá xăng
Mặc dù ngày 11/7 vừa qua, Liên bộ Tài chính và Công Thương đã ra thông báo về việc thay đổi giá bán lẻ xăng, dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu thêm các biện pháp khác để giá xăng có thể tiếp tục được “hạ nhiệt”.
Bắt đầu từ thuế Tiêu thụ đặc biệt
Sau khi thực hiện đồng bộ với việc áp dụng điều chỉnh giảm thuế Bảo vệ môi trường vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, giá xăng, dầu trong nước đã được điều chỉnh sau một thời gian dài tăng cao. Cụ thể, xăng E5RON92 có giá 27.788 đồng/lít, sau khi thực hiện giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III có giá 29.675 đồng/lít, sau khi giảm 3.088 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Dầu diesel 0.05S có mức giá 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá 26.345 đồng/lít, sau khi thực hiện giảm 2.008 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có mức giá 17.712 đồng/kg, sau khi giảm 2.010 đồng/kg.
Mặc dù đây là lần giảm sâu nhất trong những lần điều chỉnh trước đây, tuy nhiên với người tiêu dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải thì mức giá xăng hiện tại mới chỉ giúp họ bớt "buộc bụng" đi phần nào. Theo đại diện của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành (Hãng xe Sao Việt), với mức giá hiện tại mới chỉ tác động làm giảm chi phí nhiên liệu xăng dầu, còn để giảm bớt đi giá cước vận tải thì vẫn còn rất xa vời. Bởi vậy, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu, xem xét coi xăng dầu là một trong những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để từ đó giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt vào mặt hàng này.
" Thuế Tiêu thụ đặc biệt chỉ nên áp dụng với những mặt hàng xa xỉ như rượu bia, thuốc lá hay ô tô sang trọng. Xăng dầu là nguyên liệu chính của ngành vận tải, ngành kinh tế quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế nước nhà, vậy mà xăng dầu vẫn bị xếp vào danh mục hàng hóa không thiết yếu. Áp dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt vào mặt hàng này là chưa hợp lý." – Đại diện Hãng xe Sao Việt chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, nguyên nhân nào mà xăng dầu chưa được hưởng ưu đãi áp dụng thuế Giá trị gia tăng (VAT) như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác hiện nay. Trong khi đây là sản phẩm được người dân sử dụng hằng ngày, hằng giờ như một phần thiết yếu. Bởi vậy, trong thời gian tới, mong rằng các cơ quan nhà nước cần phân tích kỹ để xác định thế nào là hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu. Trên cơ sở đó, tính toán để giảm thuế VAT cho xăng dầu" - ông Nguyễn Công Hùng đề nghị.
Trợ giá cho người tiêu dùng
Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, nếu việc miễn giảm một số loại thuế đang áp dụng trên xăng, dầu mà giá vẫn cao ngất ngưởng làm ảnh hưởng tới nền kinh tế thì đã tới lúc nên suy nghĩ tới việc chi ngân sách để trợ giá cho người tiêu dùng.
Bộ Công Thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, trong đó đề xuất hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách bù vào giá xăng dầu tăng cho những ngư dân bám biển.
Có ý kiến cho rằng, đề xuất này của Bộ Công Thương xem ra rất thuận tình, hợp lý vì theo tính toán của các chuyên gia, chi phí cho nhiên liệu thông thường chiếm khoảng từ 45 - 60% chi phí đầu vào. Ngoài ra, giá nhiên liệu đang ở mức cao đã kéo theo giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản cũng có những biến động nhất định.
Chưa kể, đối với tàu đánh cá xa bờ thường sẽ phải hoạt động trên biển trong một thời gian dài, dẫn đến việc các trang thiết bị, dụng cụ, vật chất sẽ mau hư hỏng khiến cho nguồn lực kinh tế của những ngư dân bám biển sẽ bị siết lại một cách đáng kể. Vì vậy, nếu việc giảm bớt chi phí thuế để bình ổn giá xăng dầu như hiện nay chưa phát huy được tối đa hiệu quả, thì Trung ương cần sớm có những chủ trương hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân ngày đêm vươn khơi nói riêng và cả người tiêu dùng nói chung.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/them-mot-goc-nhin-ve-bien-phap-kim-gia-xang-179220713212250857.htm