Thế chiến thứ hai – biên niên sử về cuộc xung đột tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại
Các sử gia đã không ngừng trở đi trở lại với Thế chiến thứ hai: Có lẽ đó là một thời khắc hệ trọng mà chúng ta sẽ phải mãi quay lại để tìm kiếm sự thật.
Thế kỷ 20 nhân loại trải qua một cuộc chiến thảm khốc mà đến nay vết thương của nó vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Chiến tranh thế giới thứ hai hay Thế chiến thứ hai, bắt đầu từ năm 1939 và kết thúc năm 1945 với sự tham gia của hơn 30 quốc gia.
Các quốc gia tham chiến đã dồn toàn bộ nguồn lực kinh tế, quân sự, khoa học, công nghiệp trong mọi nỗ lực tham chiến. Những vụ thảm sát kinh hoàng, những cuộc tấn công đẫm máu… Và rồi hậu quả của nó là khôn lường khi theo nhiều nguồn thống kê, số người thiệt mạng lên tới 70 - 80 triệu người, hàng trăm triệu người dân bị mất nhà cửa. Nền kinh tế các quốc gia sụp đổ, phần lớn các hạ tầng công nghiệp bị phá hủy.
Sau tất cả, nỗi đau chiến tranh vẫn còn nhức nhối trong nhiều thế hệ ở nhiều quốc gia.
Một số trang trong cuốn "Thế chiến thứ hai"
Antony Beevor là một trong những nhà sử học quân sự hàng đầu thế giới với các đầu sách đoạt nhiều giải thưởng: Stalingrad: The Fateful Siege: 1942-1943 (Stalingrad: Trận chiến định mệnh), Berlin: The Downfall 1945 (Berlin: Cuộc sụp đổ năm 1945). Với tác phẩm The Second World War (Thế chiến thứ hai), ông tập trung vào một sự kiện đẫm máu và bi thảm nhất của thế kỷ 20.
Thế chiến thứ hai – cuộc chiến mà
nhiều người muốn quên đi mới có thể sống tiếp
"Thế chiến thứ hai" của Antony Beevor được đánh giá là biên niên sử toàn diện về cuộc xung đột tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Tác phẩm đầy nhức nhối này đưa chúng ta vào một đoạn thời gian đẫm máu, khốc liệt và để lại nhiều hệ lụy nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, bắt đầu từ cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler vào ngày 1/9/1939, đến ngày V-J, tức ngày 14/8/1945 và hậu quả mà toàn bộ cuộc đại chiến này để lại.
Qua những trang sách, Beevor mô tả cuộc xung đột và phạm vi toàn cầu của nó: Ở mọi ngóc ngách trên thế giới, mọi diễn biến, tình hình và nước đi chiến lược của các bên.
Là một người lính đã từng từng tham gia phục vụ quân đội Anh và Đức, Antony Beevor đã tái hiện lịch sử cuộc chiến, như một phóng viên chiến trường. Tác phẩm này khẳng định thêm một lần nữa rằng, tác giả của nó thực sự là một trong những nhà sử học quân sự hạng nhất.
Cuốn sách hơn 1.000 trang (ấn bản tiếng Việt), bắt đầu bằng lá thư từ biệt vợ của Georgii Zhukov vào tháng 6.1939, và kết thúc bằng câu chuyện về vợ một nông dân Đức, có quan hệ với một tù binh Pháp.
Cuốn sách phơi bày rất nhiều cái chết – và xác chết, rất nhiều những câu chuyện man rợ và khủng khiếp, mà có lẽ nhiều người muốn quên đi, mới có thể sống tiếp. Nhưng các sử gia sinh ra là để những điều thảm khốc đã xảy ra không bị quên lãng hay trở thành vô nghĩa.
Chúng ta luôn đi qua hiện tại với một tấm màn bưng mắt, tấm màn đó là những điều trực tiếp "tai nghe mắt thấy" hạn hẹp của mỗi cá nhân. Vì thế mà những thời khắc ta đang trải qua, có thể rất lâu sau này, người ta sẽ còn quay trở lại mãi để khám phá những lớp sự thật dưới đống đổ nát lịch sử.
Một số trích đoạn trong cuốn "Thế chiến thứ hai"
của Antony Beevor
"Thật khó để cho rằng một cuộc chiến tàn bạo đến mức khó tin như vậy lại có thể kết thúc mà không có sự trả thù tàn khốc nào. Bạo lực tập thể, như nhà thơ Ba Lan Czesław Miłosz đã chỉ ra, hủy diệt cả ý nghĩ về một loài người nói chung và mọi lẽ công bằng tự nhiên. 'Giết người trở nên chuyện bình thường trong thời chiến', Miłosz viết, 'và thậm chí còn được coi là hợp pháp nếu nó được thực hiện nhân danh kháng chiến. Cướp bóc cũng trở nên bình thường, cũng như giả dối và ngụy tạo. Người ta đã biết cách ngủ trong những âm thanh từng đánh thức cả khu: Tiếng súng máy, tiếng kêu rên của người sắp chết, tiếng chửi rủa của cảnh sát lôi người hàng xóm đi'". (Trích chương "Những thành phố của người chết").
Mang danh là "cuộc chiến tranh tốt", nhưng Thế chiến thứ hai ám ảnh các thế hệ kế tiếp hơn hẳn bất kỳ cuộc xung đột nào khác trong lịch sử. Nó gợi lên những cảm xúc lẫn lộn vì nó có thể không bao giờ đúng với danh hiệu đó […]. Và mặc dù nó đã kết thúc trong thất bại tan tác cho Quốc xã và phát xít Nhật nhưng chiến thắng rõ ràng đã không đưa đến hòa bình thế giới […].
Có một hiểm họa thực tế là Thế chiến thứ hai trở thành một điểm tham chiếu nhanh cả cho lịch sử hiện đại lẫn tất cả các xung đột nhất thời. Trong một cuộc khủng hoảng, các phóng viên và chính trị gia đều theo bản năng tìm đến những tương đồng với Thế chiến thứ hai, hoặc là bi kịch hóa tính nghiêm trọng của tình thế hoặc cố cảnh báo kiểu Roosevelt hay Churchill". (Trích chương "Bom nguyên tử và chinh phục Nhật Bản").
Tạp chí Công dân và Khuyến học xin giới thiệu một số hình ảnh đã đăng tải trong cuốn "Thế chiến thứ hai" của Antony Beevor tới bạn đọc.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/the-chien-thu-hai-bien-nien-su-ve-cuoc-xung-dot-toi-te-nhat-trong-lich-su-nhan-loai-179220707112032743.htm