Thay đổi về chi phí điều trị, phụ cấp chống dịch khi COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B
Từ 20/10, bệnh COVID-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ không được khám, điều trị miễn phí mà sẽ được chi trả theo bảo hiểm y tế. Những người tham gia chống dịch COVID-19 cũng không còn được chi trả phụ cấp chống dịch.
Chi phí điều trị khi COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B
Theo Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày 19/10/2023 của Bộ Y tế, điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo đó, các hoạt động phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Quyết định 3896/QĐ-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/ 2023.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiều ngày 20/10, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về quyết định điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Về thanh toán chi phí điều trị khi COVID-19 thành nhóm B, ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết việc thanh toán viện phí được chia ra theo 2 tình huống nếu điều trị từ ngày 19/10 trở về trước đó thì ngân sách Nhà nước thanh toán, tuy nhiên từ ngày 20/10 Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.
Trong trường hợp người bệnh vào viện trước ngày 20/10 và ra viện từ ngày 20/10 trở về sau, Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn thanh toán theo nguyên tắc là nhóm A. Điều này tuân thủ nguyên tắc chi phí điều trị COVID-19 khi là nhóm A thì ngân sách chi trả, khi là nhóm B thì Bảo hiểm y tế thanh toán và người bệnh cùng chi trả. Trong trường hợp này nếu người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế thì tự thanh toán.
"Người bệnh đi khám chữa bệnh COVID-19 phải thực hiện theo quy định, tức là đúng tuyến thì sẽ được thanh toán theo quy định của bảo hiểm y tế. Nếu tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến thì sẽ phải chi trả phần cùng chi trả hoặc tự chi trả" - ông Toàn cho biết.
Liên quan đến việc tiêm vaccine COVID-19, đại diện Bộ Y tế cho biết việc tiêm vaccine COVID-19 cần tiếp tục được theo dõi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện chưa có khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 hàng năm, tuy nhiên dựa trên những yếu tố thực tiễn như biến chủng mới của COVID-19 thì có thể có khuyến cáo mới tiếp theo. Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 của năm 2023, hiện việc tiêm vaccine COVID-19 vẫn miễn phí.
Về phụ cấp với người tham gia chống dịch sau khi COVID-19 thành nhóm B, ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: Từ ngày 20/10 thực hiện theo đúng quy định của nhóm B, có nghĩa là không thực hiện chi trả chế độ phòng chống dịch với người tham gia chống dịch.
Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt, cúm A-H5N1, dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg gây ra, bệnh sốt Tây sông Nile, bệnh sốt vàng, bệnh tả, viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh và chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Bệnh truyền nhiễm nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Các bệnh truyền nhiễm nhóm B bao gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bệnh bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, bệnh do liên cầu lợn ở người, lỵ Amip, lỵ trực trùng, quai bị, sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, sốt phát ban, bệnh sởi, tay-chân-miệng, bệnh than, bệnh thủy đậu, thương hàn, uốn ván, bệnh Rubeon, viêm gan virus, viêm màng não do não mô cầu, viêm não virus, bệnh xoắn khuẩn vàng da, tiêu chảy do virus Rota.