Thay đổi chiến lược để "hút" vốn đầu tư từ nước ngoài

Theo số liệu từ Cục Thống kê và Bộ Tài chính, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là một trong những điểm sáng nổi bật của bức tranh kinh tế quý I năm 2025.

doanh nghiệp
Thống kê và định hướng về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút khối lượng lớn vốn đầu tư qua thị trường vốn và thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.
Năm 2024 đánh dấu một năm thành công của nền kinh tế và thị trường vốn với tổng mức vốn huy động đạt gần 930 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP. Nhà đầu tư nước ngoài đã mở gần 48.000 tài khoản đầu tư với tổng giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chiếm 20,7% tổng số nhà đầu tư tổ chức trên thị trường.
Cùng với sự tăng trưởng của vốn đầu tư gián tiếp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả ấn tượng này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, với GDP năm 2024 đạt 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 trên thế giới.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nêu trên, nhưng đối với quỹ đầu tư chứng khoán, tổng giá trị tài sản còn khiêm tốn so với tiềm lực khi chỉ chiếm 6,5% GDP, trong khi Thái Lan ở mức 21% GDP và Malaysia là 52% GDP.
Hoạt động đầu tư trực tiếp vẫn còn những vướng mắc về thủ tục hành chính, thuế, hải quan và ngoại hối...
Tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để đầu tư phát triển
Năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong quý 1/2025 đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, có 850 dự án FDI được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, tăng 11,5% về số dự án và giảm 31,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2024.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,62 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2, đạt 1,13 tỷ USD, chiếm 26,1%; các ngành còn lại đạt 581,5 triệu USD, chiếm 13,4%.
Trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD; tiếp đến là Trung Quốc 1,23 tỷ USD; Nhật Bản 341,8 triệu USD; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 310,2 triệu USD…
Trong quý 1/2025, Việt Nam cũng ghi nhận có 401 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn FDI tăng thêm đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần cùng kỳ 2024.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,3 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Trong quý 1/2025, hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 2,24 tỷ USD, chiếm 23,6% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam; các ngành còn lại đạt 943 triệu USD, chiếm 9,9%.
Cũng trong quý 1/2025, có 810 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với tổng giá trị góp vốn 1,49 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ 2024.
Đặc biệt, đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm ưu thế với 487,6 triệu USD, chiếm 32,7% giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 337,2 triệu USD, chiếm 22,7%; ngành còn lại 664,8 triệu USD, chiếm 44,6%.
Bên cạnh sự khởi sắc đối với dòng vốn FDI đăng ký, theo đánh giá của Cục Thống kê, vốn FDI thực hiện trong quý 1/2025 cũng tạo sự bứt phá mạnh mẽ. Cụ thể, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam quý 1/2025 ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2024. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,05 tỷ USD, chiếm 81,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.
Cũng theo Bộ Tài chính, nhằm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển đất nước, bên cạnh những giải pháp của Đảng và Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính, Việt Nam đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư thông qua các thu hút quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Việt Nam hiện thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới
Theo chuyên gia, để đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng hơn trong việc thu hút FDI; đặc biệt, cần sàng lọc các dự án FDI. Ví dụ như yêu cầu các doanh nghiệp FDI đầu tư vào việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Cùng với đó, các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải xây dựng nhà máy, tuyển dụng lao động địa phương và tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa. Chỉ khi doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện này, họ mới được hưởng các ưu đãi.
Theo dự báo, thu hút FDI toàn cầu năm 2025 còn nhiều thách thức; đặc biệt là các chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn. Điều này cũng đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng để thu hút dòng vốn đầy tiềm năng này, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Năm 2025, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng đổi mới, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo và năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Chính phủ chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thay-doi-chien-luoc-de-thu-hut-von-dau-tu-tu-nuoc-ngoai-179250503140401938.htm