Thanh tra vụ việc Vinaconex nợ dân 14 tỉ tiền giải phóng mặt bằng
Dự kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra toàn diện Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Nội dung thanh tra liên quan đến dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc do Vinaconex thực hiện, trong đó có khoản nợ tiền giải phóng mặt bằng
Tại phiên họp Hội đồng nhân dân thành phố mới đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, cơ quan này đang kiểm tra chi phí giải phóng dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc do Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex (Vinaconex) thực hiện.
Ông Lê Thanh Nam chia sẻ thêm, một số hộ bàn giao đất nhưng phương án có sai, nên các cơ quan chức năng phải xem xét lại. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm có kết luận.
Thông tin này được đưa ra sau khi Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga nêu kiến nghị của cử tri xung quanh việc dự án này nợ dân tiền giải phóng mặt bằng gần 14 tỉ đồng.
Trước đó, nhiều hộ dân tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội phản ánh, dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dù dự án đã hoàn thiện nhiều năm tuy nhiên trên 100 hộ dân thuộc diện phải di dời, nhường đất cho dự án vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ tạm cư.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất, sau nhiều lần có văn bản đề nghị, đến nay Vinaconex chưa chi trả hơn 14,5 tỉ đồng cho đơn vị này để trả cho người dân. Ngoài số tiền 14,5 tỉ chi trả cho tổ chức hộ gia đình cá nhân (chủ yếu là hỗ trợ tạm cơ), Vinaconex còn nợ gần 400 triệu đồng chi phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của trung tâm.
Vinaconex lên tiếng về khoản nợ 14,5 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng
Theo Vinaconex, về nguồn vốn của dự án như sau: Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư (đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long), Tổng Công ty Vinaconex được giao làm tổng thầu xây lắp.
Đồng thời Bộ Giao thông vận tải cũng giao cho Tổng Công ty Vinaconex làm đại diện chủ đầu tư về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đại diện của Vinaconex là Ban quản lý dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc đã ký hợp đồng với Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất (nay "là Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thạch Thất) thực hiện công tác thu hồi đất và giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.
Theo trình tự, căn cứ vào các quyết định phê duyệt phương án kinh phí giải phóng mặt bằng của cấp có thẩm quyền, ban quản lý dự án Láng - Hòa Lạc có trách nhiệm tập hợp hồ sơ và làm thủ tục tạm ứng kinh phí giải phóng mặt bằng từ Sở Giao dịch kho bạc Nhà nước kiểm soát chi, Sở Tài chính Hà Nội bố trí nguồn kinh phí, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội thực hiện thanh toán, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất trực tiếp chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho các đối tượng bị thu hồi đất.
Sau khi Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất chi trả xong tiền giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án Láng – Hòa Lạc tiếp nhận các hồ sơ, chứng từ của Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất để làm thủ tục hoàn tạm ứng cho Sở Giao dịch kho bạc Nhà nước theo quy định.
Theo Vinaconex, toàn bộ nguồn kinh phí để thực hiện dự án, trong đó bao gồm cả nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng đều do Ngân sách Nhà nước bố trí nguồn, mà không phải bằng nguồn vốn của Tổng Công ty Vinaconex.
Về các tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, Vinaconex cho biết như sau: Ngày 19/12/2014, Vinaconex đã có văn bản số 02837/2014/CV-XD-LHL gửi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề nghị bố trí vốn cho dự án, trong đó kiến nghị xử lý quyết toán khoản tiền 11,7 tỉ đồng bồi thường cho 2 doanh nghiệp là Lisohaka và Chè Minh Nguyệt để hoàn tạm ứng với Sở Giao dịch kho bạc nhà nước.
Ngày 16/10/2018, trên cơ sở kết luận cuộc họp của liên ngành thành phố Hà Nội về quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án Láng - Hòa Lạc đã tổ chức cuộc họp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất và Ban quản lý dự án huyện Thạch Thất để thống nhất số liệu tổng hợp và giải quyết các tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng, trong đó biên bản cuộc họp đã thể hiện.
Ngày 8/10/2019, Tổng Công ty Vinaconex đã có văn bản số 1817/2019/CV/BXD-LHL gửi Sở Giao dịch kho bạc nhà nước đề nghị xem xét kiểm soát tạm ứng nguồn vốn 11,7 tỉ đồng (của hai đơn vị Lisohaka và chè Minh Nguyệt) để Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất chi trả cho các hộ dân đã có quyết định phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng (kèm theo giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, các chứng từ tạm ứng cho 2 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, do chưa có dự toán, phương án đền bù chi tiết cho từng đơn vị theo yêu cầu bổ sung (Phiếu giao nhận hồ sơ gửi kèm) nên Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước không có cơ sở để tạm ứng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất.
Như vậy, căn cứ vào nguồn vốn chi trả công tác giải phóng mặt bằng ngân sách Nhà nước thực hiện và do chưa đủ hồ sơ hoàn ứng tổng số tiền gần 13,4 tỉ đồng (đến thời điểm hiện nay còn 12,2 tỉ đồng) theo quy định nên Sở Giao dịch kho bạc Nhà nước không có cơ sở để tiếp tục tạm ứng.
Tổng công ty Vinaconex khẳng định, khi có đủ hồ sơ, chứng từ và được Sở Giao dịch kho bạc Nhà nước chấp thuận, Vinaconex sẽ thực hiện ngay các thủ tục theo quy định.
Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc được khởi công xây dựng từ 20/3/2005, chiều dài toàn tuyến cao tốc hơn 29 km gồm bốn làn xe cao tốc và hai làn xe nội bộ, hơn 50 cầu, hầm chui các loại. Khi lên kế hoạch xây dựng tuyến đường được kỳ vọng sẽ trở thành con đường hiện đại và đẹp nhất Thủ đô. Tổng mức đầu tư dự án (theo dự toán phê duyệt) là 7.527 tỉ đồng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-tra-vinaconex-no-dan-14-ti-tien-giai-phong-mat-bang-179240622135531129.htm