Thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ và những giải pháp an toàn
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị “Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN” về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao A05, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội C06 (Bộ Công an), các tổ chức tín dụng, trung tâm thanh toán…
Đước biết, trong thời gian tới tiếp tục phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên nội dung được quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN đến người dân, khách hàng với mục tiêu nâng cao ý thức cảnh giác của người dân và bảo vệ quyền lợi người dùng.
Phó Thống đốc cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để triển khai có hiệu quả Quyết định 2345/QĐ-NHNN góp phần đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng.
Sẵn sàng triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN từ ngày 1/7/2024
Theo ông Trần Công Huỳnh Lân – Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ Hiệp hội Ngân hàng, hiện còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhưng phía Hiệp hội cũng đề xuất các kiến nghị, giải pháp xử lý để chuẩn bị sẵn sàng trong việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN từ ngày 1/7/2024. Trong quá trình thực hiện, việc áp dụng công nghệ NFC để đọc dữ liệu từ CCCD gắn chip còn gặp nhiều khó khăn do thiết bị của nhiều khách hàng chưa hỗ trợ NFC; các TCTD cũng phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chi phí dịch vụ xác thực, chi phí vận hành,... Đồng thời, Ủy ban Công nghệ Hiệp hội ngân hàng cũng đề xuất một số giải pháp về mặt kĩ thuật, gia tăng trải nghiệm khách hàng để sẵn sàng cho ngày hiệu lực.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, trung tâm trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai công nghệ anti-deepfake để chống các đối tượng lừa đảo giả mạo khách hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản, đảm bảo khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan Công an cấp.
Ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng cho biết, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hiện nay thực hiện các thủ đoạn hết sức tinh vi, chuyên nghiệp, tập trung chủ yếu qua phương thức tài khoản ngân hàng gây thiệt hại đến 390 nghìn tỷ năm 2023, tương đương với 3,6% GDP. Ông Vũ Văn Tấn cũng đề nghị các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hoạt động làm sạch dữ liệu theo Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNN về phối hợp triển khai Đề án 06 đảm bảo kiểm tra, đối chiếu thông tin khách hàng mở tài khoản thanh toán; rà soát các tài khoản ngân hàng có giao dịch dấu hiệu đáng ngờ, tài khoản Bộ Công an yêu cầu xác minh.
Tại phiên thảo luận của Hội nghị, các đại biểu tham gia phát biểu, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến và đại diện Ủy ban Công nghệ Hiệp hội Ngân hàng, Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp, làm rõ các nội dung tại Quyết định.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-toan-truc-tuyen-thanh-toan-the-va-nhung-giai-phap-an-toan-179240614181055114.htm