Thành phố Hồ Chí Minh phát triển thêm nhiều tuyến du lịch đường thủy đến các tỉnh thành Nam Bộ

Minh Vũ
17:46 - 30/04/2025

Năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh có thêm ít nhất từ 5 đến 10 sản phẩm du lịch đường thủy mới, thường kỳ và có hơn 10 phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025.
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển tuyến du lịch đường thủy đến nhiều địa phương Nam Bộ - Ảnh 1.

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng các tuyến du lịch đường thủy kết nối với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long

Theo đó, năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh có thêm ít nhất từ 5 đến 10 sản phẩm du lịch đường thủy mới, thường kỳ và có hơn 10 phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch. Lượng khách du lịch bằng đường thủy đến Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ 10% - 15% so với cùng kỳ. Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại các tuyến điểm du lịch đường thủy, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp yên tâm, ổn định để hưởng thụ và kinh doanh sản phẩm du lịch.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá và xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề mới và các sản phẩm du lịch đường thủy kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. 

Trong đó, phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm trung như: Tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến tàu Ngôi Sao Việt (Quận 7) đi huyện Cần Giờ liên tuyến tới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với du lịch biển. Tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đi huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi gắn du lịch sinh thái, trải nghiệm các hoạt động thể thao dưới nước.

Tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến tàu Phước Khánh (huyện Nhà Bè) hoặc bến Bạch Đằng (Quận 1) đến huyện Cần Giờ, liên tuyến đến huyện Cần Giuộc (Long An), huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) gắn du lịch sinh thái, trải nghiệm các hoạt động thể thao dưới nước. 

Tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến tàu Ngôi Sao Việt (Quận 7) đi huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), có thể liên tuyến đến Bình Dương (Cù lao Thạnh Hội (Cù lao Rùa), Cù lao Bạch Đằng, hồ trị An…) gắn du lịch văn hóa tín ngưỡng, du lịch sinh thái, trải nghiệm các hoạt động thể thao dưới nước, du lịch thể thao golf.

Phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm xa như: Nâng cấp, phát triển tuyến du lịch đường thủy từ Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh; Thành phố Hồ Chí Minh - Long An gắn với du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch thể thao golf.

Phát triển các tuyến du lịch đường thủy từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2): Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau và ngược lại.

Phát triển du lịch đường thủy gắn với tuyến phà biển từ huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) đi Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) và ngược lại. Phát triển du lịch đường thủy gắn với tuyến tàu cao tốc đi từ Bến Bạch Đằng, Quận 1 hoặc cảng Sài Gòn, Quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh) đến bến cảng du thuyền TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), đến cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) liên tuyến đến Thủ đô Phnom Penh (Campuchia).

Phát triển du lịch đường thủy gắn với tuyến tàu cao tốc đi từ Bến Bạch Đằng, Quận 1 hoặc cảng Sài Gòn, Quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh) đến Bến phà cũ Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre). Phát triển du lịch đường thủy gắn tuyến tàu cao tốc đi từ cảng Sài Gòn, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh đi huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-phat-trien-them-nhieu-tuyen-du-lich-duong-thuy-den-cac-tinh-thanh-nam-bo-179250430174655563.htm