Thành phố Hồ Chí Minh: Không để dịch Marburg xảy ra tại trường học

20:04 - 06/04/2023

Ngày 6/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản khẩn về việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg trong trường học.

Thành phố Hồ Chí Minh: Không để dịch Marburg xảy ra tại trường học   - Ảnh 1.

Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người. Ảnh: VOV

Chủ động phòng, chống dịch bệnh Marburg

Theo đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh Marburg không để dịch bệnh xảy ra tại các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị phối hợp và thực hiện nghiêm những hướng dẫn phòng, chống bệnh Marburg của ngành y tế địa phương.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phổ biến tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường những thông tin cơ bản về bệnh Marburg.

Theo Bộ Y tế, Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra, ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus).

Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người, lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch…) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do virus.

Thời gian ủ bệnh là 2-21 ngày, bệnh khởi phát với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết.

Hiện bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50%, có thể lên tới 88%), bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ở góc độ dự phòng, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), Trung tâm đã tăng cường để kiểm soát tại sân bay, cửa khẩu để nếu phát hiện ca nghi ngờ thì báo cáo Ban Giám đốc Sở Y tế, tạm thời đưa về BV cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. 

"Triển khai các biện pháp phòng chống dịch, bệnh lây qua đường dịch tiết chứ không như Covid-19. Người dân không nên hoang mang", bác sĩ Tâm nói.

Nhiều nước ghi nhận các ca nhiễm

Theo các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), tỷ lệ tử vong do bệnh Marburg dao động từ 23% -90%. Trong một đợt bùng phát năm 2004 ở Angola, virus Marburg đã gây tử vong 90% trong số 252 người mắc bệnh. Năm ngoái, có 2 trường hợp tử vong do virus Marburg ghi nhận ở Ghana.

Gần đây nhất, ngày 7/2/2023, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội của Guinea Xích đạo đã báo cáo ít nhất 8 trường hợp tử vong xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 7/1 đến ngày 7/2/2023, tại hai ngôi làng thuộc huyện Nsock Nsomo, tỉnh Kie-Ntem.

Theo điều tra dịch tễ học, các trường hợp có biểu hiện sốt, sau đó là suy nhược, nôn mửa và tiêu chảy có máu; hai trường hợp cũng có biểu hiện tổn thương da và chảy máu tai.

Ngày 14/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức họp khẩn sau khi có ít nhất 9 người tại Guinea Xích đạo tử vong vì sốt xuất huyết do virus Marburg. Vật chủ chứa virus Marburg là dơi ăn quả châu Phi, Rousettus aegyptiacus. Bệnh do virus Marburg là một bệnh gây xuất huyết hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cả người và động vật linh trưởng, có tỷ lệ tử vong ca bệnh lên tới 88%.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-khong-de-dich-marburg-xay-ra-tai-truong-hoc-179230406194949139.htm