Thành phố Hồ Chí Minh giá cả tăng vọt, sinh viên thắt chặt tiêu dùng
Với cuộc chạy đua leo thang của vật giá tại Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên xa nhà đã chọn tiết kiệm chi phí sinh hoạt, học tập để thích ứng với tình hình hiện tại.
Nguyễn Y Thảo, sinh viên Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với số tiền 3 triệu đồng được hỗ trợ từ gia đình, sinh viên này phải đi làm thêm để đủ điều kiện duy trì cuộc sống, học tập hiện tại.
Công việc tại quán cà phê cũng chỉ phần nào giúp sinh viên Y Thảo có thể trang trải phụ gia đình hiện tại.
"Giá cả tăng chóng mặt, gia đình em từng bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch bệnh vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh nên em phải tiết kiệm tối đa nhất có thể. Em tranh thủ làm thêm ngoài giờ học để có tiền bù vào các khoản chi phí khác", Thảo chia sẻ.
Tương tự, đối với Huỳnh Thị Mộng Thúy, sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình 2, cũng cố gắng "co kéo" chi tiêu trong khoản tiền sinh hoạt ít ỏi mà gia đình hỗ trợ. "Khó khăn là điều chắc chắn, đặc biệt là với sinh viên xa nhà. Không chỉ giá nhà trọ tăng, xăng tăng, mà ngay cả suất cơm bụi hằng ngày cũng tăng thêm 5.000 đồng/phần ăn", Thúy buồn bã nói.
Căn phòng trọ hẹp sinh viên Thúy để nghỉ ngơi sau giờ học.
Đáng nói hơn, đối với những sinh viên năm cuối ở trường cao đẳng, đại học, ngoài các khoản chi cho đời sống thì kỳ thực tập cũng tiêu tốn một khoản không hề nhỏ.
Chị Đinh Thị Mai, sinh viên năm cuối trường Đại học Xã hội và Nhân văn, chia sẻ: "Thời gian thực tập tốn kém nhất là khoản xăng xe, chi phí đi lại… Xăng thì lên giá chóng mặt làm tôi méo mặt không biết đường nào mà lần. Trước khi thực tập tôi có ý định chuyển trọ ra khu vực trung tâm để gần chỗ làm nhưng khi giá cho thuê trọ lên quá trời thì tôi lại băn khoăn và quyết định ở lại Làng Đại học cho tiết kiệm chi phí", chị Mai nói thêm.
Với đặc thù ngành nghề nên việc đi lại, ăn uống, Đinh Thị Mai phải tính toán kỹ chi phí so với thu nhập.
Được biết thêm, chị Mai hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình, mỗi tháng được khoảng 10 triệu đồng. Trong đó, chị sẽ chi trả cho học phí, đóng tiền trọ, ăn uống nhưng khi thực tập chị còn phải xin thêm sự hỗ trợ của ba mẹ, gia đình.
Đứng trước sự thay đổi theo xu hướng tăng cao của thời giá, nhiều sinh viên đã chủ động thay đổi phương thức sống để thích nghi và dần quen với việc tiết kiệm chi tiêu, sinh hoạt.
Có thể nói, sau khi dịch COVID – 19 được kiểm soát, tình hình kinh tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề, cùng với đó vật giá tăng cao phi mã, không chỉ sinh viên mà cả gia đình đang có các thành viên theo học các cấp học cũng gặp một áp lực lớn, nhất là ở các địa phương khó khăn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-gia-ca-tang-vot-sinh-vien-that-chat-tieu-dung-179220602114553148.htm