Thành phố Hồ Chí Minh: Dịch sốt xuất huyết giảm nhưng vẫn ghi nhận những ca nặng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang giảm nhưng tại các bệnh viện vẫn ghi nhận những ca nặng. Người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, phòng tránh muỗi đốt và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 12/2, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 3.496 ca mắc sốt xuất huyết, tăng khoảng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1.590 ca).
Riêng trong tuần từ 6 - 12/2, thành phố có 385 trường hợp mắc bệnh, giảm 32,5% so với trung bình 4 tuần trước. Có 18/22 quận, huyện giảm so với trung bình 4 tuần trước nhưng vẫn có 5/312 phường, xã có số ca bệnh tăng ở mức ngưỡng báo động.
Toàn thành phố ghi nhận 28 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 22 phường, xã thuộc 10/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù dịch sốt xuất huyết đang giảm nhưng tại các bệnh viện vẫn ghi nhận một số ca nặng. Tiếp tục thực hiện các biện pháp triệt nơi sinh sản của muỗi hàng tuần tại nơi làm việc và nơi cư trú.
Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận một trường hợp thai phụ bị vỡ thai ngoài tử cung kèm theo dương tính sốt xuất huyết Dengue. Thai phụ cho biết có triệu chứng mệt mỏi, sốt trong 4 ngày và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Sau khi sử dụng thuốc, tình trạng sức khỏe không tiến triển, đau bụng dữ dội liên tục nên đi khám và được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Khi vào bệnh viện, thai phụ bị sốc nặng, tình trạng không tỉnh táo, xuất huyết dưới da ở 2 chân, huyết áp tụt. Thai phụ sau đó được mổ cấp cứu, song song điều trị sốt xuất huyết. Còn Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng vừa cứu sống cho một bé trai sốc sốt xuất nặng, suy gan, suy thận, xuất huyết tiêu hóa. Hơn nửa tháng điều trị thở máy, dẫn lưu ổ bụng tại Khoa Hồi sức tích cực, hiện bé trai đã qua cơn nguy kịch với sinh hiệu ổn định.
Các bác sĩ khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm ở khu vực phía Nam - nơi thời tiết mưa nắng thất thường. Sốt xuất huyết có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí tử vong.
Do đó, người dân vẫn cần cảnh giác cao với bệnh, luôn tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, phòng tránh muỗi đốt và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế muỗi sinh sôi, phát triển.
Cùng với dịch bệnh sốt xuất huyết, hiện tại thành phố Hồ Chí Minh đang lưu hành bệnh tay chân miệng và COVID-19. Trong tuần vừa qua, trên địa bàn đã ghi nhận 52 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 4% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tuần 6 - 12/2, thành phố Hồ Chí Minh có 6 ca mắc COVID-19, tính từ đầu năm 2023 đến nay, lũy kế là 110 ca.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin, hiện nay đã xuất hiện một số ca mắc sốt xuất huyết do virus Marburg tại châu Phi. Mặc dù bệnh này chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống virus Marburg.
Tuần vừa qua, quốc gia Trung Phi Guinea Xích đạo đã ghi nhận 9 người đã chết cùng 16 ca nghi nhiễm trong đợt bùng phát đầu tiên của virus Marburg. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã họp khẩn cấp vào ngày 14/2 để có các biện pháp đối phó.
Theo WHO, Marburg là virus hiếm gặp, có độc lực cao, cùng họ với virus Ebola. Marburg gây ra bệnh sốt xuất huyết với tỷ lệ tử vong cao tới 88%. Đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị, cũng chưa có vaccine dự phòng bệnh do virus Marburg gây ra.
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, bệnh do virus Marburg gây ra có biểu hiện ban đầu giống như sốt virus thông thường: Sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mỏi cơ khớp, buồn nôn… Sau đó bệnh nặng lên, bệnh nhân có thể có rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, tử vong tương đối nhanh chóng trong vòng 7 ngày.
Virus Marburg lây truyền thông qua tiếp xúc ngoài da, tiếp xúc với các bề mặt vật dụng, lây qua dịch tiết như máu hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân...
Các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên. Một số bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu; chảy máu nướu răng, mũi và cơ quan sinh dục. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-dich-sot-xuat-huyet-giam-nhung-van-ghi-nhan-nhung-ca-nang-179230217132101148.htm