Thành phố Hồ Chí Minh có ngưỡng chỉ số tia cực tím rất cao, nguy cơ gây hại cho sức khỏe
Ngày 6/10, nhiều thành phố trên cả nước có ngưỡng chỉ số tia cực tím rất cao, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ số cao nhất, đạt 8.9. Thời điểm xuất hiện chỉ số tia cực tím đạt cực đại từ 11 giờ đến 13 giờ.
Nhiều nơi có chỉ số tia cực tím rất cao
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chỉ số tia cực tím (UV) trong ngày 6/10, các thành phố trên cả nước phổ biến đều có chỉ số tia cực tím cao nhất trong ngày ở mức rất cao, riêng Nha Trang và Cà Mau đạt mức cao.
Cụ thể: Chỉ số tia cực tím cao nhất tại thành phố Hạ Long là 8.0, thành phố Hải Phòng là 8.0, thành phố Hà Nội là 7.9, thành phố Huế là 8.3, thành phố Đà Nẵng là 7.8, thành phố Hội An là 8.1, thành phố Nha Trang là 5.5, Thành phố Hồ Chí Minh là 8.9, thành phố Cần Thơ 3.0, thành phố Cà Mau là 5.6.
Trung tâm này dự báo trong 3 ngày tiếp theo, các thành phố đều có chỉ số tia cực tím cực đại tiềm năng ở mức rất cao, ngoại trừ Hà Nội, Cần Thơ và Cà Mau trong ngày 9/10 có nguy cơ gây hại trung bình.
Cụ thể: Từ ngày 7-9/10, chỉ số tia cực tím cao nhất tại thành phố Hạ Long là 8, 7, 6; thành phố Hải Phòng là 8, 8, 7; thành phố Hà Nội lần lượt là 8, 7, 4; thành phố Huế là 8, 8, 6; thành phố Đà Nẵng là 8, 9, 5; thành phố Hội An là 8, 9, 7; thành phố Nha Trang là 9, 9, 9; Thành phố Hồ Chí Minh là 9, 8, 6; thành phố Cần Thơ là 9, 7, 5; thành phố Cà Mau là 9, 8, 5.
Thang bảng đo chỉ số tia cực tím quy định:
Từ 3-5 là nguy cơ gây hại trung bình, khuyến cáo người dân nên ở dưới bóng mát trong thời gian ban trưa, che chắn khi ra ngoài, bôi kem chống nắng và đeo kính râm khi có nắng gắt.
Từ 6-7 là nguy cơ gây hại cao, cần thực hiện các biện pháp trên để bảo vệ cơ thể tránh tác hại của tia cực tím.
Từ 8-10 là nguy cơ gây hại rất cao, người dân cần hạn chế ở ngoài trời trong thời điểm ban trưa; đồng thời nên ở dưới bóng mát, che chắn khi ra ngoài, bắt buộc phải đeo kính râm, bôi kem chống nắng và đội mũ.
Từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không có biện pháp bảo vệ.
Tác hại của tia cực tím
Theo các chuyên gia da liễu, việc tiếp xúc với tia cực tím gây lão hóa da nhanh và ung thư da sớm. Các nghiên cứu cho thấy thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trên 1 giờ/ngày sẽ gây lão hóa sớm. Theo thời gian, da có thể bị nhăn nheo và nhất là hình thành các vết nám, tàn nhang, đốm nâu và các bệnh lý tăng sắc tố da khác.
Bên cạnh đó, tia cực tím còn là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư da trong dài hạn. Ung thư da tế bào đáy và tế bào gai là hai loại ung thư da phổ biến nhất. Chúng thường xuất hiện ở các vùng phơi bày ra ánh sáng như đầu và cổ. Các tình trạng này đòi hỏi cần được tầm soát và phát hiện sớm để tránh các di chứng nặng hơn.
Trường hợp nhẹ hơn là gây bỏng da, thâm da, ngứa ngáy, khó chịu. Các ảnh hưởng mãn tính như xuất hiện tàn nhang, đồi mồi, nám, xuất hiện nhiều nếp nhăn, thậm chí có thể gây ung thư da hắc tố hoặc không hắc tố.