Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch nhằm phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ
Đại diện Cục Y tế dự phòng đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sớm, kịp thời theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế từ tháng 5 khi có đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu. Thành phố cần tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch nhằm phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ.
Chiều ngày 6/10, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Được biết đây là đoàn kiểm tra số 1 trong số 6 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế theo quyết định ngày 3/10. Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, 5 đoàn kiểm tra khác của Bộ Y tế sẽ đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại 9 tỉnh, thành phố khác.
Đoàn công tác của Bộ Y tế bao gồm Cục Y tế dự phòng, Cục quản lý Môi trường Y tế, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng các bệnh viện... đã kiểm tra công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và kiểm tra công tác cách ly, điều trị, phòng chống lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và thăm bệnh nhân.
Phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên nhanh chóng, kịp thời
Theo Sức khỏe & Đời sống, tại buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đánh giá cao về công tác kiểm dịch phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu, cảng hàng không trên địa bàn: "Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định đúng các trường hợp đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam. Ngành y tế Thành phố đã phát hiện ca bệnh nhanh chóng, kịp thời, tiến hành cách ly và điều trị tốt cho ca bệnh đầu tiên mắc đậu mùa khỉ. Không để bệnh lây lan ra cộng đồng".
Đồng thời, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự hỗ trợ cho Đại học Oxford của Anh về giải trình gen và đã xác định được ca đậu mùa khỉ và công bố. Đây cũng hoàn toàn đúng quy trình phòng chống dịch mà Bộ Y tế đã ban hành trong thời gian vừa qua.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị, triển khai tốt công tác xử lý vấn đề đáp ứng phòng chống dịch từ cửa khẩu cho tới nội địa.
Về việc điều tra dịch tễ ca bệnh và cách ly và điều trị bệnh nhân từ Bệnh viện Da liễu chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm rất tốt việc kiểm sóat lây nhiễm, tránh sự lây lan ra những người tiếp xúc cũng như ra cộng đồng.
Tiếp tục tăng cường kiểm dịch nhằm phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Để hoàn thành tốt công tác phòng chống đậu mùa khỉ trong thời gian sắp tới, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện các nội dung sau:
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kịch bản ứng phó với dịch đậu mùa khỉ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên toàn địa bàn Thành phố. Đặc biệt, cần nhanh chóng chỉ đạo các phường, quận, địa phương có các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao.
Đề nghị Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố và lực lượng kiểm dịch tiếp tục tăng cường giám sát tại các cửa khẩu và cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đặc biệt là các chuyến bay tới từ các nước đang có dịch đậu mùa khỉ.
Đồng thời, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần chỉ đạo các bệnh viện tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ khi tới khám. Đặc biệt, cần chỉ đạo việc chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm tại các bệnh viện để bảo vệ cho các cán bộ y tế cũng như chỉ đạo các phòng khám da liễu, tư nhân để tăng cường cảnh giác với các trường hợp đến khám.
Ngành y tế cần phối hợp với các ban ngành đặc biệt là ngành Công an để giám sát nhóm người có nguy cơ cao về đậu mùa khỉ trên toàn địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông tới người dân các dấu hiệu nhận biết bệnh, các cách phòng tránh bệnh để người dân nắm được thông tin về bệnh.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần đề nghị các đơn vị chuẩn bị tốt các trang thiết bị để có thể kịp thời thu dung, cách ly các trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh, không để lây lan ra cộng đồng.
Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam đang hồi phục tốt
Như đã đưa tin trước đó, ngày 3/10/2022, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả xét nghiệm giải trình tự gen khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ chủng Monkeypox vi rút thuộc clade IIb. Đây là bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam.
Bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh; khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022 đến 22/9/2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23/9/2022, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, bác sĩ khám, nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ, bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Real time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày 25/9/2022, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh Đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gen tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường đại học OXFORD hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi có kết quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện điều tra 9 người tiếp xúc gần trong đó có 4 nhân viên y tế và 5 người thân của bệnh nhân để theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngày 6/10/2021, sau 11 ngày tiếp xúc lần cuối cùng với bệnh nhân, 9 người có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất do tiếp xúc gần với bệnh nhân không xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh.
Bệnh nhân hiện đang phục hồi sức khỏe, đã hết sốt, các bóng nước trên cơ thể đã khô mài, tróc vảy và đang lên da non, các bóng nước ở họng cũng đang lành, không còn đau. Xét nghiệm PCR dịch tiết ở một số vị trí đã âm tính.