Tháng 12 vẫn có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông

17:12 - 01/12/2022

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tháng 12 vẫn còn khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông. Trong tháng, miền Bắc có nhiều ngày trời rét, rét đậm có thể tập trung trong thời đoạn ngắn vào đầu và cuối tháng.

Tháng 12 vẫn có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông - Ảnh 1.

Bản đồ dự báo quỹ đạo của bão số 7. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Tháng 12 vẫn có thể còn bão

Theo bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng các khu vực trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/12-31/12/2022 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời kỳ này vẫn còn khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Trong tháng, không khí lạnh gia tăng cường độ và tần suất, các tỉnh miền Bắc có nhiều ngày nền nhiệt độ ở ngưỡng trời rét, trong đó rét đậm có khả năng tập trung trong thời đoạn ngắn vào thời kỳ đầu và cuối tháng.

Xoáy thuận nhiệt đới là vùng gió xoáy (đường kính có thể tới hàng trăm km) hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, áp suất khí quyển (khí áp) trong xoáy thuận nhiệt đới thấp hơn xung quanh, có mưa, đôi khi kèm theo dông, tố, lốc.

Áp thấp nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật. Khi áp thấp nhiệt đới đủ mạnh vì liên tục phát triển đủ năng lượng để thu hút gió và hơi nước mạnh lên sẽ hình thành bão nhiệt đới.

Trước đó, trong tháng 11/2022, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 1 cơn bão số 7-NALGAE nhưng không ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Trong tháng 11/2022, cả nước đã xảy ra 3 đợt không khí lạnh vào ngày 1, ngày 23 và 30/11. Đáng chú ý là đợt không khí lạnh cường độ mạnh tối 30/11, sáng ngày 1/12 ảnh hưởng thời tiết các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 14-17 độ C, vùng núi 10-13 độ C, vùng núi cao trời rét hại: Trùng Khánh (Cao Bằng) 8,5 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 4,5 độ C.

Xu thế nhiệt độ trung bình tháng 12/2022

Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Xu thế lượng mưa tháng 12/2022

Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, có nơi cao hơn từ 20-50mm; các khu vực còn lại phổ biến cao hơn từ 40-80mm, đặc biệt khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 70-150mm, có nơi cao hơn 200mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trong tháng 11/2022, mưa lớn diện rộng tập trung chủ yếu tại khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ thời kỳ 12-17/11 và 19-24/11. Trong đó, đáng chú ý là đợt mưa 19-24/11 tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi cao hơn: A Lưới (Thừa Thiên Huế) 402mm, Quy Nhơn (Bình Định) 343mm... 

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có nhiều ngày mưa trong tháng, đặc biệt là thời kỳ 3-4/11, 12-13/11 và 19-24/11 xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi có mưa rất to. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng có hai đợt mưa điển hình vào thời kỳ 17-19/11 và 23-17/11. 

Tổng lượng mưa trong tháng 11/2022 tại khu vực phía Đông Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20-50%; các khu vực còn lại trên phạm vi cả nước có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 40-80%.

Tháng 12 vẫn có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông - Ảnh 4.

Thiệt hại do thiên tai tháng 11/2022. Ảnh: Tổng cục Phòng, chống thiên tai

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thang-12-van-co-the-xuat-hien-ap-thap-nhiet-doi-bao-tren-bien-dong-179221201161330014.htm