Thận lợn lần đầu tiên được ghép vào người sống - kỳ vọng về một kỷ nguyên mới của y học
Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) cho biết đã thực hiện ca ghép thận lợn chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân suy thận. Kỹ thuật đột phá này được kỳ vọng sẽ xóa bỏ rào cản về nguồn cung nội tạng cấy ghép, hiện thực hóa mục tiêu không có bệnh nhân nào phải bỏ mạng trong khi chờ đợi ghép tạng.
Ca cấy ghép thận lợn sang người sống đầu tiên trên thế giới
Ngày 16/3, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) lần đầu tiên thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép thận lợn chỉnh sửa gene sang người sống. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên thực hiện ca ghép thận vào năm 1954.
Thành công bước đầu của ca phẫu thuật đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực cấy ghép dị chủng hay chuyển nội tạng động vật sang người.
Bệnh nhân là ông Rick Slayman (62 tuổi), được chẩn đoán mắc bệnh thận giai đoạn cuối vào năm 2023. Trước đó, ông Slayman đã nhận được một quả thận từ một người hiến tặng vào năm 2018 sau khi sống chung với bệnh tiểu đường và huyết áp cao nhiều năm. Tuy nhiên, quả thận được ghép bắt đầu có dấu hiệu hỏng 5 năm sau đó và ông tiếp tục phải chạy thận.
Hiện tại, ông Slayman hồi phục tốt sau ca phẫu thuật ghép thận lợn kéo dài 4 tiếng. Thận mới bắt đầu sản xuất nước tiểu và chất thải creatinine ngay sau đó, bệnh nhân không cần phải lọc máu và dự kiến sẽ sớm xuất viện.
Tiến sĩ Tatsuo Kawai tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết: "Thành công của ca cấy ghép thận này là nỗ lực của hàng nghìn nhà khoa học và bác sĩ trong nhiều thập kỷ. Hy vọng của chúng tôi là phương pháp cấy ghép này sẽ mang lại sự sống cho hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới đang bị suy thận".
Theo thống kê của Cơ quan Quản lý Tài nguyên và Dịch vụ Y tế Mỹ (HRSA), hơn 100.000 người ở Mỹ đang chờ ghép tạng, trong đó có 17 người chết mỗi ngày. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cho phép cấy ghép thận lợn thử nghiệm cho bệnh nhân Slayman do thiếu các lựa chọn điều trị khác.
3 tiến bộ quan trọng tạo nên thành công bước đầu của phẫu thuật ghép thận lợn sang người
Thận lợn chỉnh sửa gene sử dụng trong ca phẫu thuật đột phá này được cung cấp bởi Công ty Dược phẩm eGenesis. Đơn vị này đã sử dụng công nghệ biến đổi gene để thận lợn tương thích với con người và loại bỏ một số gene lợn có hại cho con người. Những sửa đổi di truyền này làm giảm khả năng đào thải bộ phận cấy ghép khi hệ thống miễn dịch của con người tấn công "vật thể lạ" đó và khiến nội tạng cấy ghép đó bị hỏng. Ông Slayman cũng đang sử dụng một loại thuốc ức chế miễn dịch để giảm thiểu nguy cơ này.
Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù thận lợn rất giống với thận của con người, nhưng việc tìm ra cách ngăn hệ thống miễn dịch của con người đào thải chúng không phải là điều dễ dàng.
Tiến sĩ Joren Madsen - Giám đốc Trung tâm Cấy ghép thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết: “Hệ thống miễn dịch của con người phản ứng cực kỳ dữ dội với nội tạng của lợn, nhiều hơn so với nội tạng của người”. Nếu người được cấy ghép thận lợn sử dụng thuốc để ngăn đào thải tương tự như thuốc cho bệnh nhân được cấy ghép thận người, phần nội tạng lợn thêm mới sẽ nhanh chóng bị đào thải và chuyển sang màu đen sau vài phút.
Ca phẫu thuật mới nhất đã đạt được 3 tiến bộ quan trọng và thực sự biến việc cấy ghép nội tạng dị chủng trở thành hiện thực.
Đầu tiên, eGenesis sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để thực hiện 69 chỉnh sửa chính xác đối với ADN của lợn để ngăn cơ thể con người nhận ra thận lợn là vật thể lạ và đào thải. Họ đã loại bỏ 3 gene quy định thường biểu hiện trên bề mặt tế bào lợn mà kháng thể của con người có thể nhận ra và tấn công. Họ cũng sử dụng phương pháp chỉnh sửa gene để vô hiệu hóa các retrovirus của lợn có thể được kích hoạt và lây nhiễm sang người.
Thứ hai, công ty dược phẩm này tạo ra các kháng thể đơn dòng đặc biệt được thiết kế riêng để ngăn chặn đào thải nội tạng lợn.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã có thể thử nghiệm nội tạng lợn trên mô hình động vật không phải con người để phát triển các quy trình tốt nhất nhằm áp dụng công nghệ này cho con người.
Tiến sĩ Michael Curtis - Giám đốc điều hành eGenesis, bày tỏ: “Quá trình thành công này là bước khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong y học, xóa bỏ rào cản về nguồn cung nội tạng cấy ghép và hiện thực hóa mục tiêu không có bệnh nhân nào phải bỏ mạng trong khi chờ đợi cấy ghép nội tạng”.
Hiện nay, nhiều đơn vị khác cũng đang nghiên cứu để tạo ra các mô và nội tạng lợn phù hợp cho việc cấy ghép dị chủng. Từ những năm 1600, các nhà khoa học đã thử nghiệm lấy máu và da từ loài động vật này để sử dụng cho con người.
Trước đây, đã có 5 người được ghép thận từ lợn, tuy nhiên, đây đều là bệnh nhân đã chết não và vẫn được duy trì sự sống. Ca phẫu thuật gần đây nhất diễn ra vào tháng 7/2023 tại Trung tâm Y tế NYU Langone Health (Mỹ). Quả thận đã hoạt động được hơn một tháng trong cơ thể bệnh nhân.
Ngoài ra, có 2 người khác đã trải qua ca cấy ghép nội tạng dị chủng, họ đều nhận tim lợn biến đổi gene. Người đầu tiên qua đời 2 tháng sau đó, được chẩn đoán biến chứng từ một loại virus lợn có tên là porcine cytomegalovirus. Người nhận tim lợn thứ hai chết vì bị đào thải 6 tuần sau cuộc phẫu thuật.