Tham gia xét Giáo sư, Phó giáo sư năm 2023, ứng viên cần lưu ý gì?
Các ứng viên dự kiến nộp hồ sơ tham gia xét Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023 cần nắm vững các tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Nhằm giúp các ứng viên có thêm thông tin về đợt xét duyệt năm nay, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thưa ông, công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm nay có gì đổi mới so với năm 2022?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang: Công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Về tiêu chuẩn, tiêu chí không có gì thay đổi so với đợt xét năm 2022.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Trong công văn số 25/HĐGSNN vừa ban hành, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã đưa ra lưu ý đối với những công trình khoa học có sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, ông có thể chia sẻ rõ hơn về lưu ý này?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang: Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng khá nhiều trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học… và mang lại những lợi ích to lớn đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, cũng như đối với khoa học-công nghệ.
Sự trợ giúp của AI trong nghiên cứu khoa học cũng đem lại nhiều kết quả ứng dụng khả quan. Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học lo ngại việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu khoa học có thể dẫn đến kết quả không tích cực như: dựa trên các dữ liệu đầu vào chưa chính xác hoặc chưa được kiểm chứng; hướng theo những phán đoán, định hướng không xác thực…
Việc này có thể cho ra đời những công bố rất nhanh chóng nhưng kết quả không phản ánh đúng thực tại khách quan, không thực tế, gây ảnh hưởng tiêu cực trong nghiên cứu khoa học.
Những trường hợp này cần phải được quan tâm xem xét làm rõ trong quá trình đánh giá các công bố khoa học.
Trước tình hình đó, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ban hành công văn số 25/HĐGSNN về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước khuyến cáo Hội đồng Giáo sư các cấp lưu ý phát hiện, xem xét, đánh giá những công trình khoa học sử dụng hoặc có sự trợ giúp của các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo, đồng thời tổ chức thảo luận, có kết luận đánh giá những công trình khoa học này.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, Hội đồng Giáo sư sẽ thẩm định bằng cách nào, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang: Hiện nay, các nhóm nghiên cứu trên thế giới đang nỗ lực phát triển phần mềm nhận dạng bài viết do AI, nhưng chưa có công cụ đủ mạnh để phát hiện một bài báo khoa học được viết bởi AI.
Việc nhận biết chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chuyên môn trong nghiên cứu khoa học của người thẩm định, như dựa vào sự hợp lý giữa phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu, sự logic về tính khoa học và tính thực tiễn…
Trong đó cần đặc biệt lưu ý đến việc trích dẫn, tài liệu tham khảo đối với các luận cứ khoa học.
Khi công trình khoa học có nghi vấn được viết bởi AI, Hội đồng, người thẩm định cần thảo luận nghiêm túc, khách quan, kể cả phỏng vấn ứng viên khi báo cáo khoa học tổng quan để kết luận đánh giá những công trình khoa học này.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Liêm chính khoa học luôn là vấn đề gây tranh cãi trong mỗi đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư, vậy Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã có cơ chế kiểm soát như thế nào để công trình của các ứng viên phải thực sự là sản phẩm khoa học chất lượng?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang: Năm 2023, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ban hành công văn số 25/HĐGSNN ngày 7/3/2023 về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023.
Trong đó quán triệt Hội đồng Giáo sư các cấp thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan, bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch và đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên.
Đặc biệt chú ý xem xét về chuyên môn - học thuật, tính liêm chính khoa học; thẩm định kỹ chất lượng tạp chí và chất lượng công trình khoa học; lưu ý phát hiện, xem xét và đánh giá các công trình khoa học sử dụng hoặc có sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, đồng thời tổ chức thảo luận và có kết luận đánh giá những công trình khoa học này.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Ứng viên tham gia xét Giáo sư, Phó Giáo sư năm nay cần lưu ý gì, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang: Các ứng viên dự kiến nộp hồ sơ tham gia xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023 cần nắm vững các tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg và Quyết định 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Giáo sư Nhà nước để chuẩn bị hồ sơ rõ ràng, đầy đủ minh chứng theo quy định. Ứng viên không được thay đổi nội dung hồ sơ sau khi nộp.
Trong quá trình xét, Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước luôn tổ chức các đợt tập huấn về công tác xét cho ứng viên và các Hội đồng Giáo sư cơ sở, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, đồng thời trả lời trực tuyến các vấn đề chưa rõ của ứng viên ở mục Hỏi - Đáp trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, mọi ứng viên đều có thể đặt câu hỏi về những vấn đề chưa rõ để được hướng dẫn theo đúng quy định.
Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tham-gia-xet-giao-su-pho-giao-su-nam-2023-ung-vien-can-luu-y-gi-179230315105655107.htm