Thái Lan phát triển giống lúa mới chịu được ngập úng
Một nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Quốc gia (Biotec) đã phát triển thành công giống lúa mới có tên Hom Le Noi, có khả năng chịu được tác động của ngập úng.
Theo tin trên Bangkokpost, tiến sĩ Theerayut Tuchinda, quyền Phó giám đốc Biotec kiêm trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết họ đã sử dụng một kỹ thuật gọi là "DNA Markers Assisted Breeding" để cải thiện giống lúa. Theo ông, lúa Hom Le Noi có thể chịu được ngập úng. Chủng lúa này không nhạy cảm với ánh sáng Mặt Trời nên có thể phát triển ở mọi vùng khí hậu. Bên cạnh đó, chủng này cũng có thể chống lại bệnh bạc lá và rầy nâu.
Dự án bắt đầu vào năm 2013 khi nhóm nghiên cứu sử dụng giống lúa Pathum Thani 1 làm cơ sở nghiên cứu và phát triển. Sau đó, họ chọn ra những chủng tốt nhất được trồng trong phòng thí nghiệm để nông dân trồng thử ở nhiều tỉnh, trong đó có Phatthalung và Songkhla ở miền Nam Thái Lan. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, lúa mọc ven Hồ Songkhla ở 2 tỉnh miền Nam có thể cao tới 120 cm.
Tiến sĩ Theerayut cho biết hạt gạo được nấu từ giống lúa mới này khi chín có kết cấu mềm hơn các chủng khác được trồng ở các khu vực tương tự. Giống mới cũng cho năng suất ổn định, khoảng 900 kg/rai (tương đương 5,625 tấn/ha) mỗi năm, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Hiện Biotec đang trong quá trình đăng ký theo Đạo luật Giống cây trồng BE 2518 (1975).
Nhóm nghiên cứu nói trên được sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục Đại học, khoa học, nghiên cứu và đổi mới, Cơ quan Phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia, Viện Quản lý đổi mới và công nghệ nông nghiệp, Cục Lúa gạo và Cơ quan Phát triển nghiên cứu nông nghiệp Thái Lan.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thai-lan-phat-trien-giong-lua-moi-chiu-duoc-ngap-ung-179221001061233505.htm