Thái Lan giảm trồng lúa, gạo Việt Nam có chiếm được thị trường?
Thái Lan là đất nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giới chức trách nước này đang kêu gọi người dân giảm trồng lúa.
Theo Bloomberg, Thái Lan đã kêu gọi nông dân giảm trồng lúa để tiết kiệm nước. Đây là một trong những mối đe dọa mới đối với nguồn cung gạo toàn cầu sau khi Ấn Độ cấm vận chuyển một số loại ngũ cốc, trong đó có xuất khẩu gạo.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang có ít mưa và chuẩn bị phải đối mặt với nguy cơ hạn hán kéo dài vào năm tới do El Nino. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan Surasri Kidtimonton, lượng mưa tại miền Trung nước này hiện thấp hơn khoảng 40% so với mức bình thường. Việc hạn chế trồng ngũ cốc là một trong những biện pháp giúp tiết kiệm nước.
Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan cho biết, phần lớn nông dân ở khu vực trọng điểm miền Trung đã gieo trồng lúa nhưng Chính phủ đang khuyến khích chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cần ít nước hơn.
Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã cảnh báo El Nino có thể gây ra lượng mưa thấp bất thường và khuyến cáo nông dân chỉ trồng một vụ lúa, thay vì hai, trong năm 2023.
Tại châu Á, giá gạo đã tăng lên mức kỷ lục trong 3 năm qua sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cấm xuất khẩu gạo. Việc này được nhận định sẽ tạo áp lực đối với người tiêu dùng và làm gia tăng lạm phát bởi gạo là lương thực thiết yếu cho hơn 3 tỉ người.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự thiếu hụt nguồn cung từ Thái Lan có thể được bù đắp bởi Việt Nam.
Không vì tăng sản lượng mà giảm chất lượng xuất khẩu gạo Việt Nam
Thời gian qua, hình ảnh thương hiệu gạo Việt đã lên cao, từ mức giá 550 USD/tấn, đã có doanh nghiệp xuất khẩu với giá 1.220 USD/tấn. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục giữ uy tín, tạo vị thế cho gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 Việt Nam gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn thóc (khoảng hơn 21 triệu tấn gạo). Trong đó, thóc phân bổ nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 30 triệu tấn (khoảng 15 triệu tấn gạo) và xuất khẩu 13 triệu tấn (6,5-7 triệu tấn gạo).
Trong điều kiện xuất khẩu gạo tốt, đủ nguồn cung, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chặt chẽ chất lượng gạo xuất khẩu, tránh trường hợp lợi dụng cơ hội giá cao, các nước nới lỏng điều kiện nhập khẩu mà doanh nghiệp Việt Nam dễ dãi, lơ là trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thai-lan-giam-trong-lua-gao-viet-nam-co-chiem-duoc-thi-truong-179230803150151545.htm