Thái Lan đặt mục tiêu trở thành một trung tâm số của ASEAN
Nhận thức rõ sự cần thiết tăng cường sử dụng công nghệ số như là một công cụ chính trong phát triển kinh tế và xã hội, Chính phủ Thái Lan đã thông qua chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Kinh tế số được hiểu là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet.
Kinh tế số được coi là một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Thái Lan cũng như thúc đẩy tăng trưởng bao trùm đối với các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Dựa trên chính sách thúc đẩy kinh tế số, Thái Lan đã thực hiện các chiến lược để phát triển nhân lực số, nâng cấp nền kinh tế của đất nước lên "Thái Lan số" và tạo ra các cộng đồng số hóa trên khắp đất nước. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đặt mục tiêu phát triển thành một trung tâm số của ASEAN.
Để thực hiện chính sách thúc đẩy kinh tế số, Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan đã triển khai các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật số trên toàn quốc, đặc biệt là việc lắp đặt đường truyền Internet tốc độ cao bằng cáp quang tại các thôn, bản. Đây là bước phát triển quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế kỹ thuật số. Dự án cũng mang lại cơ hội phát triển kinh tế và tăng năng suất cho người dân ở các vùng nông thôn, khu vực trước đây bị hạn chế bởi thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ "để kết nối với thế giới hiện đại".
Với công nghệ số, người dân có điều kiện tiếp cận sâu rộng hơn với các dịch vụ công, thông tin trực tuyến, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nền tảng tiếp thị, cũng như giáo dục từ xa, đồng thời phần nào giúp xóa bỏ khoảng cách xã hội.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng mở rộng mạng lưới kết cấu hạ tầng số sang các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar. Hiện ngành công nghiệp số của Thái Lan có giá trị kinh tế lên tới 600 tỉ baht (gần 17 tỉ USD) và đang trên đà tăng trưởng nhanh.
Trong bối cảnh thương mại điện tử và sử dụng công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Thái Lan đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs). Nhằm đưa Thái Lan trở thành trung tâm số của ASEAN, Chính phủ nước này đã giao Bộ Kinh tế và Xã hội số thành lập Hành lang Kinh tế số phía Đông (EECd), hay Công viên số Thái Lan, nằm trong khu vực Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC).
"Chính sách Thái Lan số":
Để thực hiện tầm nhìn Thái Lan 4.0, "Chính sách Thái Lan số" được Chính phủ Thái Lan đưa ra với tham vọng xây dựng một xã hội và nền kinh tế số giúp Thái Lan có thể trở thành "nhà lãnh đạo số". Trong đó, Thái Lan tập trung tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, như phát triển kết cấu hạ tầng, sáng kiến, dữ liệu, nguồn lực con người và những nguồn lực kỹ thuật số khác để đưa đất nước đến thịnh vượng, ổn định và bền vững.
"Chính sách Thái Lan số" được chia thành bốn giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư và xây dựng nền tảng số; giai đoạn 2: Bảo đảm mọi cá nhân có thể đạt được những lợi ích từ công nghệ số; giai đoạn 3: Chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế theo định hướng đổi mới và công nghệ số; giai đoạn 4: Trở thành một nước phát triển, lãnh đạo và dẫn đầu với sáng kiến và công nghệ số. Để thực hiện "Chính sách Thái Lan số", Chính phủ Thái Lan đã xây dựng Kế hoạch tổng thể kinh tế số quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế số (MDES) thay thế Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông (MICT).
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thai-lan-dat-muc-tieu-tro-thanh-mot-trung-tam-so-cua-asean-179220909162341797.htm