Thái Bình ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đổi mới trung tâm học tập cộng đồng
Đổi mới Trung tâm học tập cộng đồng phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực việc "cá nhân hóa học tập"; làm cho việc truy cập kho kiến thức khổng lồ trên môi trường mạng diễn ra nhanh chóng, dễ dàng, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện "Giáo dục cho mọi người" và "mọi người cho giáo dục".
Hiện nay, chuyển đổi số đang mở ra phương pháp tiếp cận mới thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời trong mỗi người dân, thúc đẩy khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Với sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI, SMAC (mạng xã hội - di động - phân tích dữ liệu lớn - điện toán đám mây) đã hình thành hạ tầng giáo dục số.
Mô hình Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới trên nền tảng xã hội và giáo dục chuyển đổi số
Một là, sứ mạng: Trung tâm học tập cộng đồng là nơi khai thác, kết nối, hợp tác, lan tỏa, chia sẻ nguồn tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng tới từng người dân, tới cộng đồng vì sự phát triển và tiến bộ của cộng đồng.
Hai là, tầm nhìn: Trở thành Trung tâm học tập cộng đồng thông minh hoạt động chất lượng, hiệu quả.
Ba là, triết lí: Mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt và hội nhập.
Bốn là, giá trị cốt lõi: Tự học là nền tảng; hợp tác có sự tương tác trong học tập cộng đồng; kết nối tạo ra sức mạnh và giá trị; trách nhiệm với người học và cộng đồng; thay đổi và tiến bộ; trí tuệ và văn minh.
Năm là, mục tiêu: học tập để đánh thức, khai minh tiềm năng, để thay đổi, để phát triển, để tiến bộ mãi.
Sáu là, phương thức hoạt động: là mô hình giáo dục "mở - đa nhiệm"; vừa trực tiếp, vừa trực tuyến; vừa thực, vừa ảo trên nền tảng giáo dục chuyển đổi số.
- Tự học, tự thực hành và tự làm;
- Học – Hỏi – Hiểu – Hành;
- Học mọi người, mọi nơi, mọi lúc, mọi nội dung, mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện;
- Hoạt động của Trung tâm mang tính chuyên nghiệp, có khả năng tự điều khiển, điều chỉnh trong hệ sinh thái giáo dục chuyển đổi số.
Bảy là, nội dung hoạt động học tập cộng đồng: Đảm bảo tính khoa học, tường minh, thiết thực, làm ngay, hiệu quả.
Thư viện điện tử (thư viện số) là trái tim của Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới; Những tri thức, kĩ năng mới phải thường xuyên được cập nhật, khái quát, cụ thể, đầy đủ, kịp thời trên nền tảng số để người học có thể tự học, tự vận dụng, thực hành.
Tám là, quy trình hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới
Đánh thức tiềm năng, xác định nhu cầu học tập của người dân và cộng đồng; thiết kế nội dung học tập trên nền tảng số; sắp xếp thứ tự các hoạt động, công việc; tổ chức thực hiện và phát triển chương trình, nội dung học tập; điều phối, điều hành, quản trị, hiệu chỉnh nội dung hoạt động học tập phù hợp nhu cầu học của người dân và cộng đồng; từng bước chuyển đổi số theo logic: trải nghiệm (thực và ảo), tối ưu hóa, tạo ra môi trường học tập cộng đồng thông minh.
Chín là, kết nối các nguồn lực: Thu hút, huy động, kết nối nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và đào tạo, dạy nghề và các nguồn tài nguyên, học liệu số trong và ngoài nước để thực hiện và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới.
Ứng dụng công nghệ để đổi mới phát triển Trung tâm học tập cộng đồng trong nền xã hội và giáo dục chuyển đổi số
- Lập, kết nối Website với các trang mạng xã hội khác nhau của Trung tâm;
- Xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên "Giáo dục mở" gắn với hình thành thư viện điện tử, thư viện số.
- Chuyển đổi số các tài liệu văn bản, số hóa chuyên đề, cơ sở dữ liệu dùng chung, thiết kế nội dung học tập trên Website và mạng xã hội;
- Hướng dẫn người dân ứng dụng điện thoại thông minh, máy tính kết nối internet, thiết bị thông minh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đồng thời đẩy mạnh truyền thông về Trung tâm trên Website và mạng xã hội;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản trị, điều hành Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới.
Ứng dụng công nghệ đổi mới trung tâm học tập cộng đồng Thái Bình
Thái Bình chọn 4 địa điểm để ứng dụng công nghệ triển khai thực hiện đổi mới Trung tâm học tập cộng đồng tại Đông Thọ (Thành phố); Thị trấn Tiền Hải; Vũ An (Kiến Xương); Trọng Quan (Đông Hưng); kết quả cho thấy:
Một là, việc học tập trực tiếp các chuyên đề tại 4 Trung tâm học tập cộng đồng: các giảng viên hướng dẫn học tập trực tiếp trên lớp 25 chuyên đề (do người dân và cộng đồng đề xuất). Các lớp học được kết nối Wi-Fi để người dân truy cập học liệu số. Kết quả có 2273 học viên tham gia học tập trực tiếp. Ngoài ra, các lớp học còn được tiếp phát sóng FM trên đài truyền thanh, phát thanh của các địa phương để hàng vạn người dân được nghe, lĩnh hội.
Hai là, người dân có nhu cầu học tập được tham gia học trực tuyến qua Zoom, facebook, Fanpage …Các Trung tâm thành lập các lớp, nhóm Zalo học tập trực tuyến qua Zoom để người dân không có điều kiện đến lớp vẫn được học tập. Học viên trong lớp, nhóm Zalo nắm vững được những kiến thức, kĩ năng cơ bản. Trung bình mỗi chuyên đề có vài trăm người học trực tuyến.
Ba là, việc tự học, thảo luận và ứng dụng: Học viên có thể tự học, tự nghiên cứu, tự thực hành, tự làm theo hướng dẫn qua lớp, nhóm Zalo. Nhờ đó, nhiều người học biết áp dụng tri thức, kĩ năng vào thực tiễn và cuộc sống.
Bốn là, việc học tập qua website, thư viện điện tử, học online, ... Bài học được quay video, biên tập tải lên Website: hoikhuyenhocthaibinh.vn; trang Trung tâm học tập cộng đồng; mục lớp học online và thư viện điện tử.
Các Trung tâm chủ động chuyển đường link đến các nhóm, lớp zalo, cổng thông tin điện tử của xã để mọi người dân đều có cơ hội tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi; mỗi buổi học có hàng trăm người tham gia học trực tuyến, hàng vạn người dân tải các chuyên đề để tự học, tự nghiên cứu. Số người truy cập webside đến nay đã lên đến 1.986.159 người.
Năm là, liên kết, phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Thái Bình thông qua chương trình 1H với RADIO Thái Bình tổ chức một số chuyên đề học tập cộng đồng trực tuyến và được phát trên các nền tảng số: Facebook, Fanpage, Zalo, youTube..., kết quả hàng chục vạn người theo dõi chương trình, tương tác các nội dung học tập cộng đồng.
Sáu là, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng thư viện điện tử (học liệu số dùng chung). Chuyển đổi số các văn bản về Trung tâm học tập cộng đồng; chuyển đổi số các chuyên đề, tài liệu học tập cộng đồng thành tài liệu điện tử, học liệu số (165 chuyên đề, 45 video, 50 bài giảng trực tuyến) dưới 6 dạng cơ bản Scan, PDF, PowerPoint, video, AI, bản sao số, sau đó được tải lên thư viện điện tử, lớp học online của Trung tâm học tập cộng đồng trên webside để người dân các nơi tự học.
Bảy là, kết nối nguồn lực thực hiện đổi mới Trung tâm học tập cộng đồng: Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để có phòng học, phương tiện học tập, lớp học được kết nối Wi-Fi đảm bảo cho việc học tập diễn ra đạt hiệu quả cao nhất; Phối hợp với Hội khuyến học các cấp và phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức, điều phối, quản trị hoạt động học tập cộng đồng; Phối hợp với các nhà giáo, chuyên gia khoa học công nghệ trên địa bàn để tổ chức các hoạt động học tập của Trung tâm học tập cộng đồng đổi mới...
Tỉnh Thái Bình rất coi trọng nhân rộng mô hình đổi mới Trung tâm học tập cộng đồng gắn chặt với ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để tạo ra môi trường học tập mới bám sát nhu cầu của người học nhằm giúp mỗi người dân, cộng đồng ngày một thay đổi, phát triển và tiến bộ vững chắc.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thai-binh-ung-dung-cong-nghe-va-chuyen-doi-so-do-moi-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-17924093020281277.htm