Tăng lương cơ sở: Nên áp dụng ngay hay đợi tới 1/7/2023?
Đề xuất tăng lương của Chính phủ nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng cần tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể thực hiện ngay từ 1/1/2023, lại có ý kiến đề nghị cần tính kỹ thời điểm tăng lương và đánh giá kỹ tác tác động.
Chính phủ đề xuất mức tăng lương cơ sở cao nhất từ trước tới nay
Theo chương trình kỳ họp, ngày 27/10, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
Trong đó, một trong những nội dung được Quốc hội thảo luận là việc Chính phủ trình phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do Ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Đây là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay nhằm đảm bảo giữ chân nguồn nhân lực trong khu vực công, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Việc sửa đổi này nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách, bởi theo thống kê của Bộ Nội vụ, hơn 2 năm qua đã có trên 39.500 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó nguyên nhân chính là chế độ tiền lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay từ ngày 1/1/2023
Vì sự cấp thiết này nên đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, việc tăng lương cơ sở là việc cần thiết, mặc dù biết tăng lương có thể giá cả còn tăng nhiều hơn nhưng vẫn cần phải thực hiện.
Tuy nhiên, nếu áp dụng tăng lương tổng thể đối với toàn xã hội thì cần số tiền lớn, bởi điều kiện hoàn cảnh ngân sách đang còn khó khăn.
Vì vậy, đại biểu đề xuất phương án lựa chọn đối tượng, nhóm người yếu thế để tăng lương, tránh tình trạng tăng đồng loạt.
Bởi có một số người có hệ số lương cao chưa thực sự có nhu cầu tăng lương, mà cần có sự san sẻ, chia sẻ với nhau.
Một trong những nguyên nhân khiến cán bộ trong ngành giáo dục và y tế bỏ việc, dẫn tới thiếu nhân lực là chính sách tiền lương chưa phù hợp.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, nếu đã quyết định tăng lương thì nên áp dụng càng sớm càng tốt, thời điểm có thể từ 1/1/2023.
"Khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở, có lẽ đã thu xếp được một nguồn ngân sách để triển khai tăng lương như vậy.
Bởi đến thời điểm này mới triển khai tăng lương là quá chậm do nguyên nhân khác quan là phải dành nguồn lực tập trung phòng, chống dịch COVID-19", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Thời điểm 1/7/2023 tăng lương cơ sở là phù hợp
Nêu quan điểm về thời điểm tăng lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho rằng, hiện đã là gần cuối năm 2022, việc đánh giá đầy đủ để xác định các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ, trợ cấp cần có một thời gian.
Hơn nữa cần đánh tác tác động và có thời gian cân đối nguồn lực nhà nước và thực hiện theo đúng quy định về sử dụng ngân sách, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…
Vì vậy, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, thời điểm ngày 1/7/2023 có hiệu lực tăng lương cơ sở là phù hợp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho rằng, việc Chính phủ trình phương án tăng trên 20% lương cơ sở đã được tính toán về khả năng ngân sách cũng như chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp các mức trợ cấp, trợ giúp với lại các đối tượng yếu thế, trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng.
Việc tăng tổng thể cả tiền tiền lương cơ sở và các chế độ chính sách trợ cấp phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Tăng phụ cấp ưu đãi, cần đánh giá tác động rộng rãi hơn
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan, việc tăng lương cho đối tượng nào cũng cần phải xem xét, đánh giá tác động một cách đầy đủ như: đối tượng trong khu vực nhà nước, đối với công chức, viên chức; người đã nghỉ hưu, lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn, bất cập về thu nhập như giáo viên, cán y tế…
Trước mắt, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ dự phòng và y tế cơ sở thực hiện từ ngày 1/1/2023.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan nhấn mạnh, cần đánh giá tác động rộng rãi hơn với các đối tượng khác công tác trong ngành y, ngành giáo dục và công chức, viên chức trong các lĩnh vực, khu vực Nhà nước để thấy được những bất cập cụ thể để việc tăng lương đảm bảo phù hợp với mức thu nhập của người làm việc trong khu vực nhà nước.
Tương tự, đối với các đối tượng được nâng mức hưởng chính sách hỗ trợ, trợ cấp cần cân nhắc với đối tượng người có công, vì người có công với cách mạng cần thực hiện theo chủ trương làm sao để cho người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn người cùng sinh sống ở nơi cư trú do vậy, Chính phủ cần cân nhắc đến vấn đề này.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tang-luong-co-so-nen-ap-dung-ngay-hay-doi-toi-1-7-2023-179221025181444435.htm