Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết
Ngày 22/3, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp với công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp Việt Nam”.
Còn có doanh nghiệp e ngại khi vào Đảng
Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi thành phần, đặc biệt trong khối doanh nghiệp bao gồm cả khu vực kinh tế tư nhân trở thành yêu cầu cấp thiết, không chỉ bằng đường lối, chủ trương và thể chế thành luật pháp, chính sách, mà bao hàm cả xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.
Ông Lê Quốc Minh cho biết việc xây dựng và phát triển Đảng trong doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông khẳng định Đảng luôn coi trọng vai trò của các doanh nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp có ý thức cao về việc tham gia vào Đảng và hợp tác với các tổ chức Đảng để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, sự lãnh đạo của Đảng còn kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những bất cập, hạn chế, tiêu cực, làm lành mạnh hóa kinh tế, tổ chức cộng đồng trong khối Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Minh nhận xét, thực tế cũng có những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng có e ngại nhất định sợ khi vào Đảng sẽ bị kiểm soát, không thuận lợi cho quá trình hoạt động.
Về vấn đề phát triển chi bộ trong doanh nghiệp, có những doanh nghiệp rất hào hứng; hoạt động của chi bộ, bí thư không phải chủ doanh nghiệp, có sự phối hợp tạo ra những hoạt động hiệu quả. Nhưng cũng có những doanh nghiệp e ngại trong việc duy trì những chi bộ như vậy.
Số tổ chức đảng và đảng viên khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, số tổ chức cơ sở Đảng và số lượng đảng viên thuộc doanh nghiệp tư nhân hiện còn mỏng.
Không ít cấp ủy, chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc thành lập, hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân.
Một số nơi hoạt động mang tính hình thức dẫn đến chất lượng sinh hoạt chi bộ, đoàn thể chưa cao.
Còn một bộ phận chủ doanh nghiệp, cũng như người lao động chưa mặn mà với việc trở thành đảng viên, hoặc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, để đảng viên sinh hoạt Đảng tại phường, xã; lo ngại về những rườm rà và hành chính hóa hoặc thủ tục hóa làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc.
Ngoài ra, nhiều công nhân thường xuyên phải thay đổi công việc gây khó khăn trong công tác bồi dưỡng kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ...
Những khó khăn này dẫn đến số tổ chức đảng và số đảng viên ở khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp, thậm chí nhiều nơi "trắng" tổ chức Đảng.
Còn một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân sau khi được kết nạp vào Đảng chưa phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, thậm chí một số ít trường hợp muốn vào Đảng để có thể có mưu cầu danh lợi cá nhân, dẫn tới việc làm sai lệch quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật.
Cần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng
Ông Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, phải là hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp Nhà nước.
Trong doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức Đảng có vai trò lãnh đạo toàn diện, nên người đứng đầu và cấp ủy đảng có trách nhiệm và vai trò quyết định đến thành công của doanh nghiệp.
Cần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng, phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện; kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trong ban thường vụ và trong cấp ủy Đảng.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; bảo đảm chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ngăn ngừa, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và đứng đầu doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các Nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương và Đảng ủy Khối.
Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh để chỉ đạo tháo gỡ, hoặc tổng hợp kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-trong-doanh-nghiep-la-yeu-cau-cap-thiet-179230322143516398.htm