Tăng cường kiểm tra xử lý hành vi kinh doanh buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thời gian vừa qua, hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc đang có dấu hiệu tăng cao trên thị trường. Bất chấp việc các đơn vị, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử phạt nhưng trình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Liên tục thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ
Mới đây, ngày 19/7/2022 Đội QLTT số 6, Cục Quản lý thị trường Phú Thọ đã phát hiện một số loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bán tại mcửa hàng mỹ phẩm Ngân Nhi.
Cửa hàng có địa chỉ tại khu Minh Tân (Cẩm Khê, Phú Thọ) do do bà Nguyễn Thị Hồng Hương làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán hàng hóa gồm: 30 hộp Sáp vuốt tóc Volcanic Clay loại 80ml; 05 hộp Ủ tóc Collagen Luxury hair mask loại 1.000ml.
Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Trên nhãn không thể hiện nguồn gốc, nơi sản xuất và xuất xứ của hàng hóa, không có công bố tiêu chuẩn chất lượng, không có thông tin kỹ thuật, không có tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, trị giá hàng hóa vi phạm tính theo giá niêm yết trên hàng hóa tại cửa hàng là: 9.650.000 đồng.
Đội Quản lý thị trường số 6 đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra Quyết định xử phạt đối với bà Nguyễn Thị Hồng Hương về hành vi vi phạm hành chính: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền phạt: 8.000.000đ. Đồng thời tịch thu toàn bộ số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã tiêu hủy gần 100 kg thịt bò không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bốc mùi hôi thối.
Cụ thể, vào hồi 01 giờ 45 phút ngày 04/7/2022 lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện và kiểm tra một xe ô tô khách biển kiểm soát 81B-019.57 tại Km 1790+700 đường Hồ Chí Minh thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Qua xác minh tìm hiểu, chiếc xe do tài xế Nguyễn Văn Hậu điều khiển đang vận chuyển gần 100kg thịt bò không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bốc mùi hôi thối. Tất cả hàng hóa đựng trong các thùng xốp đông lạnh nhưng không có giấy tờ, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Tài xế khai nhận mua số hàng hóa nêu trên tại thành phố Hồ Chí Minh để bán kiếm lời, nhưng đang trên đường vận chuyển về tỉnh Gia Lai thì bị kiểm tra phát hiện. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ tang vật và xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 12.000.000 đồng đối với ông Nguyễn Văn Hậu về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là thực phẩm. Đồng thời buộc thực hiện tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm đã bốc mùi hôi thối nêu trên theo quy định của pháp luật.
Cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, các hành vi kinh doanh buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ hành vi vi phạm pháp luật và tuỳ vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì mức phạt tiền có thể lên đến từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Đặc biệt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ thì theo quy định tại Khoản 14, Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP) sẽ áp dụng mức phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên.
Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật đối với các hành vi vi phạm trên, và tịch thu phương tiện vận tải trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100 triệu trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Bên cạnh đó còn có các biện pháp buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, môi trường, vật nuôi…
Do đó, để có thể làm giảm bớt hành vi kinh doanh buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các lực lượng chức năng cùng cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả.
Giáo dục bằng hình thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để giúp cho mọi người hiểu được tác hại của hàng giả. Qua đó, hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của mình, không tham gia sản xuất, buôn bán hàng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.