Tăng cường đào tạo nghiệp vụ báo chí hiện đại cho đội ngũ người làm báo
Tại tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”, một số lãnh đạo hội nhà báo địa phương đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tăng cường các lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, bắt kịp xu hướng ngày nay.
Tọa đàm diễn ra vào ngày 17/3, do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức, nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023.
Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí Trung ương và địa phương, lãnh đạo hội nhà báo các tỉnh, thành, liên chi hội, giảng viên.
Tại đây, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, nâng cao nghiệp vụ báo chí của cơ quan, địa phương. Đồng thời nêu lên kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả các khóa đào tạo của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.
Nhà báo Hoàng Lâm: Cần một kho tư liệu mở về nghiệp vụ báo chí
Ở báo Lao Động, phóng viên khi đi tập huấn về có nhiệm vụ thực hiện đào tạo lại cho các phóng viên, cán bộ của cơ quan để mọi người cùng có kiến thức, kỹ năng mới.
Theo quy định hiện nay, phóng viên muốn đi học tại Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ phải có kinh nghiệm 1 năm làm báo chính thức. Báo Lao Động có những nhân lực rất trẻ, chúng tôi rất cần các phóng viên này thích ứng tốt với công việc ngay. Tôi đề xuất trung tâm có thể thay đổi điều kiện để những phóng viên trẻ hơn, thậm chí là sinh viên mới ra trường có thể tham gia tập huấn tại Trung tâm.
Khi học tại Trung tâm, các giảng viên đều chuẩn bị kỹ tài liệu học tập. Tuy nhiên, để tìm tài liệu đọc lại thì còn gặp khó khăn. Nên tôi kiến nghị Hội Nhà báo mở một kho tư liệu để các học viên sau khi tham dự lớp tập huấn có thể tìm lại. nghiên cứu. Tôi nghĩ đây là những tài liệu nghiệp vụ không mang tính chất riêng tư nên công khai để nhiều phóng viên được học hỏi.
Nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ: Tập huấn kịp thời về công nghệ, kỹ thuật mới cho địa phương
Báo Quảng Trị luôn quan tâm đến đào tạo nghiệp vụ báo chí. Trong chương trình hành động của chúng tôi, cứ 1 năm, chúng tôi mở 2-3 lớp tập huấn. Các lớp tập huấn đều có ý nghĩa tích cực, giúp nâng cao nghiệp vụ cho các phóng viên của cơ quan.
Tôi cũng mong Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các hội nhà báo vùng sâu vùng xa để đào tạo, giúp các phóng viên, nhà báo tại đó tiếp xúc, thực hành nhiều hơn với báo chí hiện đại.
Đồng thời, tiếp tục có những lớp tập huấn kịp thời về công nghệ, kỹ thuật, mở ra những vấn đề mới cho những người làm báo.
Nhà báo Lê Văn Tòa: Mở rộng đối tượng được đào tạo nghiệp vụ báo chí
Về nội dung, tôi đề nghị trung tâm tăng cường phương pháp làm báo chí hiện đại, công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nghề báo.
Về đối tượng, thực tế cho thấy, không chỉ các phóng viên, nhà báo có nhu cầu được đào tạo nghiệp vụ mà còn có các đơn vị phụ trách truyền thông, như cổng thông tin điện tử các huyện, tỉnh, cơ quan, ban, ngành cũng cần. Do đó, tôi mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam mở rộng đối tượng được tham gia tập huấn.
Có thể tổ chức tập huấn nghiệp vụ theo 2 dạng: một là bồi dưỡng cho hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, không thu phí. Hai là mở lớp cho hội nhà báo các địa phương có nhu cầu và phải thu phí trên cơ sở nhu cầu. Đồng thời, nên tổ chức theo từng cụm thi đua hoặc theo từng vùng nhằm tạo điều kiện để các nhà báo, phóng viên không phải di chuyển quá xa.
Nhà báo Nguyễn Công Đán: Nhiều tờ báo đưa tin hội nghị quá nhiều
Tôi đề nghị trung tâm tổ chức các lớp đào tạo kiến thức làm tin. Hiện tại, nhiều cơ quan báo đang đưa tin có tính tô hồng các phong trào, tin về hội họp quá nhiều, tính phản biện và tính định hướng báo chí hạn chế.
Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ cũng cần quan tâm đến đào tạo thể loại báo chí phóng sự. Hệ thống báo chí địa phương hiện nay không có những bài phóng sự hoặc rất ít. Tờ báo muốn có sức hấp dẫn, được độc giả quan tâm nhiều hơn thì phải có những bài phóng sự hay.
Ngoài những ý kiến trên, tọa đàm đã lắng nghe ý kiến của một số đại biểu chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nghiệp vụ của đơn vị mình và đưa ra đề nghị được tập huấn nâng cao nghiệp vụ hơn nữa. Hội Nhà báo Việt Nam cần mời thêm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để đào tạo kiến thức cho đội ngũ phóng viên nhà báo.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, những ý kiến được chia sẻ trong tọa đàm sẽ là nền tảng để giải quyết các vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng mà các cơ quan báo chí gặp phải hiện nay. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí sẽ tiếp thu các ý kiến và có những hành động thiết thực trong thời gian tới nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ người làm báo hiện đại.
Từ năm 2020-2022, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tổ chức 333 hoạt động. Trong đó, có 254 lớp học theo ngân sách nhà nước (chiếm 76%); 54 lớp học theo yêu cầu của các hội nhà báo địa phương, các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương (chiếm 16%); và 25 lớp học do tổ chức nước ngoài tài trợ (chiếm 8%). Các khóa học tập trung vào 3 mảng chính: kỹ năng cho các loại hình báo chí; chuyên đề, chuyên sâu và hội thảo, tọa đàm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tang-cuong-dao-tao-nghiep-vu-bao-chi-hien-dai-cho-doi-ngu-nguoi-lam-bao-17923031719520256.htm